Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có 62 turbin điện với tổng công suất dự tính 99MW. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Báo trên dẫn lời ông Mark Hutchinson, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho biết: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi nghĩ rằng tâm lý trong ngành tích cực hơn nhiều so với 8 tháng trước hoặc 1 năm trước”.
Về phần mình, ông Thomas Jakobsen, Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo Indochine Energy Partners (trụ sở tại Singapore), cũng bày tỏ “rất hài lòng” với tiến độ ban hành các quy định ở Việt Nam trong 20 năm qua.
Luật Điện lực sửa đổi mới nhất của Việt Nam không chỉ quy định về năng lượng Mặt trời và gió, mà còn đưa ra các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng nhiên liệu như khí tự nhiên và hydro. Phát triển năng lượng hạt nhân một lần nữa được bổ sung vào luật. Những nội dung cập nhật được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng, nhưng cũng đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam có thể cùng lúc tham gia vào mọi lĩnh vực hay không.
Hệ thống pin điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng ở Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn. Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN
Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc quản lý lĩnh vực năng lượng sau những biến động trong những năm trước.
Ông Mark Hutchinson khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đang tiếp cận thận trọng, đó là điều dễ hiểu. Và Chính phủ Việt Nam sẽ không để việc đó lặp lại, đây là điều đúng đắn”. Ông Hutchinson dự báo năm 2025 sẽ là năm hoàn thiện các quy định và biểu phí của thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, xây dựng tất cả các nghị định và thông tư theo Luật Điện lực, đồng thời thúc đẩy các dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); theo đó, trong năm tới sẽ chú trọng vào việc triển khai thực hiện hơn, thay vì tập trung vào chính sách cấp cao.
Thu Hằng (TTXVN)