Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí trước khi lên chuyên cơ Không lực Một để khởi hành đến Iowa ngày 3/7. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/7 cho biết Washington sẽ bắt đầu gửi thư tới các quốc gia từ ngày 4/7, thông báo rõ ràng mức thuế mà hàng hóa của họ sẽ phải chịu khi vào thị trường Mỹ. Động thái này đánh dấu sự chuyển hướng rõ rệt so với các cam kết trước đó về việc ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại riêng lẻ, theo Reuters.
Thừa nhận việc đàm phán với hơn 170 quốc gia là quá phức tạp, ông Trump nói với báo giới trước chuyến đi đến Iowa: “Chúng ta có hơn 170 nước và có thể ký bao nhiêu thỏa thuận đây? Mọi thứ rất phức tạp”.
Theo ông, thư sẽ được gửi theo từng nhóm 10 quốc gia, trong đó quy định rõ các mức thuế áp dụng, dao động từ 20% đến 30%.
Trước đó, phía Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với 2 nước là Anh, Trung Quốc và Việt Nam, song ông Trump cho biết ông chỉ dự kiến tiếp tục đàm phán chi tiết với một vài nước nữa.
Tuyên bố này cho thấy những thách thức lớn mà chính quyền Trump đang đối mặt khi muốn đạt được các thỏa thuận toàn diện: không chỉ về thuế quan mà còn các rào cản phi thuế như hạn chế nhập khẩu nông sản.
Hồi tháng 4, các cố vấn hàng đầu của ông Trump từng tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng: đạt 90 thỏa thuận trong 90 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại kỳ cựu đã bày tỏ hoài nghi, cho rằng điều này khó khả thi với các tiến trình vốn phức tạp và mất thời gian.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trả lời Bloomberg rằng khoảng 100 quốc gia có thể sẽ bị áp mức thuế đối ứng 10%. Ông dự báo một “làn sóng” các thỏa thuận thương mại sẽ được công bố trước hạn chót 9/7 - thời điểm các mức thuế có thể tăng mạnh.
Danh sách ban đầu do Nhà Trắng công bố có 123 vùng lãnh thổ bị áp mức thuế 10%, chủ yếu là các quốc gia nhỏ và vùng lãnh thổ ít dân cư, bao gồm cả đảo Heard và McDonald (Australia) không có người sinh sống.
Trong khi một số nước như Anh đã hoàn tất đàm phán và giữ được mức thuế 10%, đồng thời được ưu đãi trong các lĩnh vực như ôtô và động cơ máy bay, phần lớn các đối tác lớn khác đang phải đối mặt với mức thuế cao hơn.
Liên minh châu Âu bị áp mức thuế 20%, Ấn Độ 26%, và Nhật Bản 24%. Các quốc gia chưa từng bước vào đàm phán với chính quyền Trump thậm chí còn chịu thuế cao hơn: Lesotho bị áp 50%, Madagascar 47% và Thái Lan 36%.
Phương Linh