Từ 1/1/2026, Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực, Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi, giúp nhà giáo thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình. Luật này hướng tới việc nâng cao vị thế, quyền lợi và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho nhà giáo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục.
Luật Nhà giáo có thể bao gồm các quy định về: Nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo, Cải thiện chế độ đãi ngộ, Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo,…
Ảnh minh họa
Quyền của nhà giáo
Tại Điều 8. Quyền của nhà giáo, nhà giáo có những quyền sau đây:
1. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo còn có các quyền sau đây:
a) Được giảng dạy, giáo dục phù hợp chuyên môn đào tạo; chủ động phân phối thời lượng, sắp xếp nội dung theo chương trình giáo dục; lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục; nhận xét, đánh giá, tham gia khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
b) Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học, hưởng chính sách ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
c) Được tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và phát triển nghề nghiệp;
d) Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
e) Được tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Những việc nhà giáo không được làm
Tại Điều 11. Những việc không được làm gồm:
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những việc viên chức không được làm được quy định tại Luật Viên chức đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 gồm:
Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công;
Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật;
Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức;
Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội;
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng 2018, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Giáo dục năm 2019 quy định những điều giáo viên không được làm bao gồm:
Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học;
Xuyên tạc nội dung giáo dục;
Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh;
Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự;
Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền;
Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông quy định rõ giáo viên không được làm những việc như sau:
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.
Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.
Ngoài ra còn những điều giáo viên không được làm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo thì giáo viên không được làm 11 điều sau đây:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
Gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
Xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
Tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.
Hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
Gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
Sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
Tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê tín, dị đoan; sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo không được làm các việc sau đây:
a) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
b) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
c) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
d) Ép buộc người học nộp tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
đ) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo
Tại khoản 3 Điều 11 những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo bao gồm:
a) Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật;
b) Đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền;
c) Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bùi Nam