Quy định mới về những việc cán bộ, công chức không được làm
Tại Điều 14 của Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Quốc hội đã bổ sung và làm rõ nhiều hành vi bị nghiêm cấm nhằm siết chặt kỷ luật công vụ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong bộ máy hành chính nhà nước.
Cụ thể, cán bộ, công chức không được thực hiện các hành vi sau:
Trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc, tự ý nghỉ hoặc bỏ việc, tham gia đình công; gây bè phái, chia rẽ nội bộ và mất đoàn kết trong cơ quan.
Đăng tải, phát tán hoặc phát ngôn thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quốc gia, địa phương, cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị nơi công tác.
Tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sử dụng tài sản công hoặc tài sản của nhân dân trái pháp luật.
Lợi dụng hoặc lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin công vụ để trục lợi cá nhân.
Phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, độ tuổi, tôn giáo, tín ngưỡng, khuyết tật hoặc thành phần xã hội dưới bất kỳ hình thức nào khi thực thi công vụ.
Ngoài ra, luật cũng quy định cán bộ, công chức không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái quy định; không được vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ bí mật nhà nước. Những giới hạn này áp dụng trong suốt thời gian công tác và có thể kéo dài sau khi thôi việc hoặc nghỉ hưu.
Ảnh minh họa.
Những điểm mới trong tuyển dụng công chức
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 cũng điều chỉnh cơ chế tuyển dụng nhằm phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và phát huy nguồn lực xã hội.
Một trong những điểm mới quan trọng là bổ sung nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tuyển dụng. Theo đó, người trúng tuyển phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, và sau khi trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm, xếp lương theo ngạch tương ứng.
Người có tài năng, người có công với đất nước và người thuộc dân tộc thiểu số sẽ được xem xét ưu tiên theo quy định.
Bên cạnh đó, bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia. Đây là bước đi nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong quản lý công chức, trao quyền chủ động cho các bộ, ngành và địa phương.
Việc tuyển dụng công chức vào các vị trí việc làm sẽ thực hiện thông qua 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận. Trong đó, hình thức tiếp nhận chỉ áp dụng với:
Người có tài năng từ khu vực ngoài công lập;
Người có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng được ngay yêu cầu công việc;
Hoặc những người hiện là viên chức, quân nhân, công an, nhân sự thuộc tổ chức cơ yếu nhưng chưa phải là công chức.
Với những quy định mới, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 hướng đến mục tiêu chuẩn hóa hành vi, đạo đức công vụ và siết chặt kỷ luật trong bộ máy hành chính.
Đồng thời, việc thay đổi cơ chế tuyển dụng theo hướng linh hoạt, cạnh tranh và phân cấp rõ ràng được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thu hút người có năng lực từ nhiều nguồn lực xã hội khác nhau.
Ngọc Bảo (T/h)