Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7, các tổ chức, doanh nghiệp chỉ được phép rút tiền và thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử sau khi hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và xác thực thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp. Để đáp ứng quy định này, nhiều ngân hàng thương mại đã gửi thông báo yêu cầu khách hàng tổ chức cập nhật thông tin sinh trắc học trong thời gian sớm nhất.
Có hai phương thức để thực hiện xác thực sinh trắc học: Trực tiếp tại quầy giao dịch và trên ứng dụng ngân hàng số.
Các tổ chức tín dụng cũng khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo mạo danh. Nhân viên ngân hàng trong quá trình hỗ trợ sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp đường dẫn truy cập, mật khẩu tài khoản, số căn cước công dân, mã OTP hay bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại hoặc tin nhắn.
Một số ngân hàng cho biết, dù đã triển khai thông báo rộng rãi, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp chủ động thực hiện xác thực sinh trắc học vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp chậm trễ chủ yếu gồm: doanh nghiệp có trụ sở tại vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa hoàn tất ủy quyền cho cấp quản lý trung gian, cũng như một số khách hàng VIP.
Việc xác thực sinh trắc học đang tạo ra trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp ở khu vực khó tiếp cận hạ tầng công nghệ hoặc hạn chế khả năng di chuyển.
Trong khi đó, nếu không hoàn tất quy trình xác thực, doanh nghiệp sẽ bị ngắt kết nối với kênh giao dịch số, dẫn đến việc đóng băng các hoạt động thanh toán điện tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới vận hành của doanh nghiệp mà còn gây áp lực đáng kể lên các ngân hàng trong việc duy trì hỗ trợ khách hàng.
Liên quan đến những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: “Chúng tôi đã có ba lần điều chỉnh Thông tư 17/2024 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi để hỗ trợ tốt hơn cho khối doanh nghiệp”.
Cụ thể, theo ông Tuấn, NHNN đang nghiên cứu đề xuất miễn yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các doanh nghiệp đặc thù như: tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp niêm yết, thành viên Fortune 500 và các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm quản trị cao cấp. Đây là giải pháp nhằm giảm tải thủ tục hành chính, đồng thời vẫn đảm bảo được hiệu quả quản lý và phòng chống rủi ro trong hệ thống.
Theo thống kê của NHNN, hiện cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng, trong đó sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, chỉ còn 113 triệu tài khoản cá nhân và hơn 711.000 tài khoản doanh nghiệp được xác định là tài khoản "sống" – tức tài khoản còn hoạt động.
Điều này cho thấy vẫn còn hàng chục triệu tài khoản “chết”, “ngủ đông” hoặc không có người sử dụng thực sự tiềm ẩn nguy cơ cao bị lợi dụng cho các hoạt động lừa đảo.
Mặc dù quy định hiện hành chưa cho phép đóng các loại tài khoản này, nhưng NHNN dự kiến từ tháng 9 tới sẽ chính thức yêu cầu đóng toàn bộ tài khoản không xác thực sinh trắc học, như một phần trong chiến lược phòng chống tội phạm tài chính.
TH