Từ 15/8, người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng
Nghị định này quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) từ trung ương đến cấp xã và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Đối tượng áp dụng
Người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng quy định trên (người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số) gồm:
1- Cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về quản lý công nghệ thông tin hoặc công nghệ thông tin (bao gồm: công nghiệp công nghệ thông tin hoặc công nghiệp công nghệ số, công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số); an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin, an ninh mạng; giao dịch điện tử và các vị trí việc làm khác liên quan đến chuyển đổi số do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật và công nhân công an thuộc Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và các đối tượng khác liên quan đến chuyển đổi số theo thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định, đối tượng trên được hưởng mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.
Mức hỗ trợ trên được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Mức hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Thời gian không được tính hưởng mức hỗ trợ
Theo Nghị định, thời gian không được hưởng mức hỗ trợ gồm:
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ một tháng trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác.
- Thời gian không đảm nhiệm công việc chuyên môn, nghiệp vụ quy định trên liên tục từ một tháng trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2025.
Tại Mục II Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 về đột phá phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như sau:
Mục tiêu đến năm 2030
- Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.
- Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.
- Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
- Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Tầm nhìn đến năm 2045
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Xuân An