Theo báo cáo mới nhất của Datareportal, tính đến tháng 1 năm 2024, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số.
Số lượng người dùng (từ 18 tuổi trở lên) các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái. Cụ thể, Facebook có 72,7 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người và YouTube là 63 triệu người.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25-12-2024.
1. Khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn từ ngày 25-12-2024 nếu vi phạm các điều sau
- Thực hiện việc khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ TT&TT, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ) chậm nhất là 24 giờ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử. Thời gian khóa tạm thời từ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.
- Thực hiện việc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử theo pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn hoạt động các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ TT&TT sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
Như vậy, người dùng sẽ bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn nếu đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên.
Người dùng sẽ bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn nếu đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên.
2. Quy trình xử lý nội dung vi phạm pháp luật
a) Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm quy định của pháp luật theo, ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công.
- Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì Bộ TT&TT, Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận thông báo, hỗ trợ xử lý các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam;
b) Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện quy trình xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật như sau:
- Đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ TT&TT, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện việc khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời gian khóa tạm thời từ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào số lần và mức độ vi phạm.
- Khi có yêu cầu của Bộ TT&TT, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài thực hiện việc khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập khi đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời từ 3 lần trở lên.
- Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không thực hiện quy định hoặc không ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam thì sẽ bị ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm và thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Một số mẹo để hạn chế bị khóa tài khoản Facebook
Facebook đang ngày càng siết chặt việc quản lý nội dung và xử lý nghiêm các vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Trước đó không lâu, cộng đồng mạng lại lan truyền trò đùa đổi ảnh đại diện Facebook thành logo của Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram…) để nhận tiền. Tuy nhiên sau khi thực hiện, nhiều tài khoản đã bị khóa vĩnh viễn với lý do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Ths Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử của trường FPT Polytechnic TP.HCM.
Trao đổi với PLO, Ths Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử của trường FPT Polytechnic TP.HCM cho biết, để tránh bị khóa tài khoản Facebook khi thay đổi ảnh đại diện hoặc cập nhật thông tin, người dùng cần lưu ý các điều sau:
1. Sử dụng hình ảnh hợp lệ: Đảm bảo rằng ảnh đại diện không vi phạm bất kỳ quy định nào của Meta, chẳng hạn như sử dụng hình ảnh có nội dung bạo lực, kích động, khiêu dâm, hoặc chứa các yếu tố vi phạm bản quyền.
2. Tránh thay đổi quá thường xuyên: Nếu bạn thay đổi ảnh đại diện, thông tin cá nhân, hoặc thực hiện quá nhiều cập nhật liên tiếp trong thời gian ngắn, hệ thống có thể coi đó là hành động bất thường và tạm thời khóa tài khoản để bảo vệ.
3. Kích hoạt xác thực 2 yếu tố (2FA): Người dùng nên kích hoạt tính năng xác thực 2 yếu tố để giúp bảo mật tài khoản tốt hơn tại đây:
https://accountscenter.facebook.com/password_and_security.
Kích hoạt tính năng xác thực 2 yếu tố trên Facebook. Ảnh: MINH HOÀNG
4. Cập nhật thông tin cá nhân chính xác: Sử dụng tên thật, số điện thoại và email chính thức. Điều này giúp dễ dàng khôi phục tài khoản nếu xảy ra sự cố và giúp Meta nhận diện tài khoản của bạn là hợp lệ.
5. Không sử dụng phần mềm bên thứ ba không an toàn: Tránh sử dụng các ứng dụng bên ngoài không được Meta ủy quyền để đăng nhập hoặc cập nhật thông tin trên tài khoản. Những ứng dụng này có thể gây nghi ngờ và dẫn đến khóa tài khoản.
6. Hạn chế đăng nhập trên nhiều thiết bị cùng lúc: Nếu bạn đăng nhập tài khoản Meta trên quá nhiều thiết bị, đặc biệt từ các IP hoặc vị trí địa lý khác nhau, hệ thống có thể nghi ngờ tài khoản bị xâm phạm và tạm thời khóa nó.
Bên cạnh đó, để tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu, bạn nên chủ động tìm hiểu và tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Đồng thời cần nâng cao cảnh giác, không tin tưởng vào người lạ khi sử dụng mạng xã hội.
Trở về trang chủ
Tiểu Minh