Từ 6/5, Quốc hội dành 1 tháng tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp

Từ 6/5, Quốc hội dành 1 tháng tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp
5 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (bên trái) phát biểu thảo luận tại Tổ 13
Phát biểu thảo luận tại Tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là công việc rất hệ trọng, cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả. Việc sửa đổi lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp tập trung vào 8/120 điều, với 2 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bắt đầu từ ngày 6/5, Quốc hội sẽ dành 1 tháng để tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp. Tại Kỳ họp này, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 thì sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, chức năng nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã, một phần chuyển cấp tỉnh. Mô hình chính quyền sẽ còn 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã.
Liên quan tới việc sáp nhập cấp tỉnh, dự kiến sau khi Chính phủ trình Quốc hội Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận cho ý kiến. Nếu được thông qua, sẽ sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Tổ
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định chuyển tiếp với thời gian khoảng một tháng rưỡi để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.
Phần lớn các đại biểu thảo luận tại các tổ tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tu-6-5-quoc-hoi-danh-1-thang-tien-hanh-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-hien-phap-20250505154435515.htm