“Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh… nhưng cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực.”
– Tổng Bí thư Tô Lâm, trích bài viết Vươn mình trong hội nhập quốc tế, ngày 3/4/2025.
Việt Nam không thể đi theo lối cũ
Một chu kỳ mới của hội nhập đang mở ra – không còn là dòng chảy êm ả của thương mại tự do, mà là những xoáy nước ngầm của chủ nghĩa bảo hộ, định hình lại chuỗi cung ứng, tranh giành chuẩn mực công nghệ và an ninh chiến lược.
Khi bị siết “thuế carbon”, Trung Quốc đẩy mạnh “nội địa hóa công nghệ”, Nhật Bản tái cơ cấu các chuỗi cung ứng, trong khi nhiều quốc gia đang tái định vị lại chính mình. Không ai đứng yên trong cuộc đua sống còn này.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế.
Việt Nam cũng không thể đứng yên. Nhưng thay vì phản ứng đơn lẻ, Việt Nam cần một chiến lược kép: vững gốc nội lực – linh hoạt đón ngoại lực. Đó không chỉ là tư duy phát triển mà là bản lĩnh sinh tồn trong kỷ nguyên hội nhập có chọn lọc.
Nội lực là gốc
Trong những năm qua, Việt Nam đã bước đi ngoạn mục trên bản đồ thương mại quốc tế: hơn 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), đối tác chiến lược với các trung tâm lớn của thế giới, xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, FDI chảy vào mạnh mẽ.
Nhưng thực chất nội lực còn mỏng. Phần lớn giá trị xuất khẩu vẫn đến từ doanh nghiệp FDI. Năng lực công nghiệp hỗ trợ, làm chủ công nghệ lõi, thương hiệu quốc gia – tất cả đều chưa tương xứng với vị thế.
Nếu chỉ bám vào ngoại lực mà không gia tăng nội lực, Việt Nam dễ rơi vào “bẫy trung gian”: sản xuất nhiều nhưng không tạo giá trị, hội nhập sâu nhưng không có tiếng nói chiến lược.
“Muốn hội nhập hiệu quả, nhất định phải bắt đầu từ chính mình. Một quốc gia chỉ vươn ra thế giới thành công khi có nền tảng nội lực đủ mạnh để không bị hòa tan.”
Nội lực không chỉ là vốn, đất đai hay con người. Nội lực là:
Công nghệ nội sinh: Việt Nam không thể mãi lắp ráp thuê. Phải làm chủ chip, phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phải đầu tư bài bản vào R&D.
Doanh nghiệp bản địa: Cần một lớp doanh nghiệp dám bứt phá khỏi “vòng an toàn”, dám đi ra thế giới bằng trí tuệ Việt.
Nông sản có thương hiệu: Không thể để thế giới nhớ đến vải thiều qua tên của hãng logistics nước ngoài.
Con người tự cường: Một xã hội học để sáng tạo, không học để thi. Một lớp trẻ biết tin vào giá trị Việt – không chỉ tìm cơ hội xuất ngoại.
Tất cả những thứ đó, không ai mang đến cho ta, chúng ta phải gieo trồng, nuôi dưỡng từ đất mình.
Tư duy “tranh thủ ngoại lực” không có nghĩa là buông mình cho dòng vốn và công nghệ ngoại. Phải có bản lĩnh để đón nhận và điều tiết. FDI chỉ hiệu quả khi có sự chọn lọc: vào lĩnh vực Việt Nam cần, mang công nghệ Việt Nam thiếu. Hiệp định thương mại chỉ bền khi doanh nghiệp nội địa có thể tận dụng ưu đãi, không bị lệ thuộc. Chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ đáng tham gia khi ta không mãi làm khâu thấp nhất.
Sức mạnh Việt Nam: Hòa quyện giữa dân tộc và thời đại
Không có quốc gia nào mạnh bằng sự đóng kín. Nhưng cũng không có quốc gia nào vững nếu để trống ruột mình. Vì thế, bài học từ các quốc gia sau khủng hoảng thương mại là minh chứng sống động:
Trung Quốc trỗi dậy nhờ nội địa hóa công nghệ trong cơn bão thương chiến. Hàn Quốc thoát khỏi lệ thuộc Nhật nhờ đầu tư vào tự chủ vật liệu. Mexico giữ vị thế chuỗi cung ứng nhờ ngoại giao kinh tế khôn khéo. Thổ Nhĩ Kỳ vượt sóng trừng phạt bằng giữ vững tâm lý thị trường nội địa.
Tất cả đều có điểm chung: không từ chối ngoại lực nhưng luôn khởi phát từ gốc rễ nội lực.
Đã đến lúc, từng bộ ngành, từng doanh nghiệp, từng địa phương cần đặt câu hỏi: nội lực là gì trong lĩnh vực của mình? Và phải có kế hoạch nuôi dưỡng nó như nuôi cây quý.
“Hội nhập không phải là hòa tan. Đối thoại không phải là từ bỏ bản sắc. Phải có năng lực từ gốc, không ai vươn mình ra biển lớn bằng đôi chân yếu mềm.” Tư tưởng đó được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu sáng nay, không chỉ là định hướng, mà là mệnh lệnh thời đại.
Đại Bàng