Diễn giả tham gia thảo luận Hội thảo. (Ảnh: Q.Định).
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 (Vesak 2025) được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 7/5, Đại lễ được tiếp tục với chương trình Hội thảo khoa học quốc tế về các chủ đề Phật sự.
Hóa giải khổ đau, khơi nguồn hòa hợp
Tiến sĩ Lye Ket Yong - Chủ tịch Trung tâm Thiền Trung Đông tại U.A.E, trình bày tham luận chủ đề “Hòa bình thế giới thông qua hòa bình nội tâm: Sức mạnh chuyển hóa của thiền định”. Theo quan điểm của diễn giả, “hiệu ứng lan tỏa của sự chuyển đổi nhận thức là không thể đo lường được, ví như bắt đầu từ một cá nhân, nếu mọi người trên thế giới thực hành thiền định cho đến khi họ đạt được sự bình an nội tâm, một làn sóng năng lượng tích cực lan tỏa ra khắp các gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc gia. Điều đó mang lại an ổn cho thế giới”.
Trong khi đó, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt tại TP Hồ Chí Minh trình bày trong tham luận “Triết lý sống của người Phật tử Việt Nam trong việc xây dựng thế giới hòa bình và 'hạnh phúc'”. Thượng tọa cho rằng, từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải và lý trí, đó chính là nền tảng của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam qua các thời đại. Thực là một lý giải hết sức giản dị. Nhưng quán triệt được nó vào trong cuộc sống, không phải chỉ là cuộc sống của lớp trí thức lãnh đạo, mà là cả cuộc sống hằng ngày của đông đảo những người dân bình thường.
Các diễn giả tham gia thảo luận Hội thảo. (Ảnh:D.H).
“Đó quả là một công việc khó khăn và phức tạp. Thế nhưng, Phật tử Việt Nam, hay rộng hơn người dân Việt đã tùy theo những nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra đã thể hiện triết lý sống và hành động của mình, thành tựu được với những kỳ tích hào hùng và vinh quang trong dòng chảy lịch sử dân tộc”, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt nhận định.
Trong khi đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm- Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam với bài trình bày “Vesak 2025: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm - Tuệ giác Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững” đã nêu bật vai trò của tuệ giác Phật giáo trong việc hóa giải khổ đau, khơi nguồn hòa hợp và xây dựng nền tảng bền vững cho nhân loại.
Dựa trên tinh thần Đại lễ Tam hợp, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định, các giá trị như đoàn kết, bao dung và tôn trọng nhân phẩm không chỉ là lý tưởng đạo đức mà còn là phương tiện thực tiễn để thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, khắc phục chia rẽ tôn giáo và định hình chính sách toàn cầu dựa trên trí tuệ và từ bi.
Đối thoại – phương thức cho sự phát triển
Hòa thượng Tiến sĩ Gallelle Sumanasiri - Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka trình bày tham luận, chủ đề “Đức tin và lòng từ bi, bình an bên trong và hòa bình bên ngoài”. Theo Hòa thượng Gallelle Sumanasiri, “Con người là một sinh vật lý trí, để đối mặt với những thách thức của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra nhiều dạng thức cộng đồng và tôn giáo là một trong số đó. Đối mặt và vượt qua nỗi khổ niềm đau để đạt được hạnh phúc là một trong những thách thức luôn hiện diện trong đời sống con người.
Ban Tổ chức cho biết, hiện đã nhận được 620 bài tham luận bằng tiếng Anh, và 330 bài tham luận bằng tiếng Việt. Các bài tham luận tập trung vào các chủ đề về hòa bình, phát triển bền vững và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong xã hội hiện đại. (Ảnh: Q.Định).
Diễn giả Gallelle Sumanasiri cho rằng, để giải quyết vấn đề trên, Phật giáo như một hệ thống tư tưởng luôn đặt con người là chủ thể và ý thức được sức mạnh của ý chí, nỗ lực của con người có thể giúp họ vượt qua đau khổ, đạt được hạnh phúc, hòa bình lâu dài mà không cần sự hỗ trợ của các thế lực siêu hình”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Efendi Hansen Ng - Phó Chủ tịch, Đại học Phật giáo Mahayana Indonesia đã phát biểu ý kiến của mình với tham luận “Đoàn kết và hòa hợp vì phẩm chất đạo đức của con người: góc nhìn Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Theo diễn giả, trách nhiệm chung của nhân loại, khi họ đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu phức tạp như: môi trường sinh thái bị đe dọa đến chủ nghĩa cực đoan về mặt nhận thức… thì đối thoại vẫn là một phương thức để vun đắp sự đồng cảm, xây dựng tình đoàn kết, giữ vững sự phát triển trong các nguyên tắc đạo đức chung.
“Trong tinh thần này, sự tham gia của Phật giáo vào các nỗ lực đoàn kết, hòa hợp không chỉ đơn thuần là sự mở rộng của ngoại giao tôn giáo mà còn là biểu hiện của những lời dạy cốt lõi về lòng từ bi, sự bình đẳng và trách nhiệm chung”, Tiến sĩ Efendi Hansen Ng nhấn mạnh.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 thu hút gần 3.000 đại biểu trong nước và quốc tế tới dự. (Ảnh: Q.Định).
Theo Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ - Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, các nghiên cứu được báo cáo trong Hội thảo đã nhấn mạnh về tiềm năng chuyển hóa sâu sắc của trí tuệ Phật giáo trong thời đại khủng hoảng và hội nhập.
Các nguyên lý từ bi, tâm từ và trí tuệ không chỉ là nền tảng của tu tập cá nhân, mà còn là những đức tính thiết yếu cho sự chung sống toàn cầu. Nền tảng đạo đức bao dung được đề xuất ở đây là khuôn phép mà tất cả con người đều xứng đáng được tôn trọng, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng hay quốc tịch.
Mỗi bài nghiên cứu đều liên hệ đến một hoặc nhiều tiểu chủ đề của hội thảo, đồng thời đưa ra những nhận định sáng tạo và giải pháp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu cấp bách.
Quốc Định