Từ cây cà phê độc canh đến đa dạng nông sản (Bài 1): Bước ngoặt của nông dân, HTX ở Ea Tu

Từ cây cà phê độc canh đến đa dạng nông sản (Bài 1): Bước ngoặt của nông dân, HTX ở Ea Tu
12 giờ trướcBài gốc
Trong ký ức của nhiều người dân Krông Pắc, những triền đồi phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cà phê đã trở thành biểu tượng. Cây cà phê từng là niềm tự hào, là nguồn sống chính, mang lại sự no ấm cho bao gia đình. Tuy nhiên, sự lệ thuộc quá lớn vào một loại cây trồng duy nhất cũng đặt người nông dân nơi đây vào thế khó, phải đối mặt với những rủi ro khó lường từ biến động giá cả thị trường, dịch bệnh và những hệ lụy của biến đổi khí hậu.
Những thay đổi rõ rệt
Cả đời gắn bó với nghề trồng cà phê ở xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và là thành viên của HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu, ông Y Drin Niê bảo chưa bao giờ ông tưởng tượng được trồng cây ăn trái lại có thể thắng lớn như thời gian vừa qua. Đã qua tuổi lục tuần nên ông chỉ giữ lại khoảng 1 ha để tự sản xuất, còn phần lớn diện tích canh tác ông bàn giao cho các con. Trên diện tích không quá lớn, được sự hỗ trợ của HTX và chính quyền địa phương, ông mạnh dạn thực hiện chiến lược đa dạng cây trồng với cà phê, hồ tiêu, và sầu riêng.
Cây cà phê được xem là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân ở Đắk Lắk. Ảnh BĐL
Năm vừa qua, gia đình ông thắng lớn với vụ sầu riêng, bán được giá, thu nhập tăng, cuộc sống ngày một khấm khá. Ông bảo đó là thành quả của sự quyết tâm chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, nếu chỉ chăm chăm vào mỗi cây cà phê thì khó ‘bứt’ lên được.
Vừa qua, giá cà phê “lên đỉnh”, khu trồng cà phê của gia đình ông Niê cho tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. “Hiện giá cà phê chạm ngưỡng hơn 130 nghìn đồng/kg, người trồng cà phê ở Ea Tu vui lắm, đứng ngồi không yên. Không chỉ các hộ sản xuất, lao động thời vụ cũng vui vì công thu hái, công cắt cành… cũng tăng”, ông Niê hồ hởi nói.
Hay như gia đình bà H’Yiam ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột có 3,4ha cà phê. Trước đây, canh tác theo tập quán cũ, sử dụng nhiều phân bón hóa học, năng suất cây trồng không cao. Không chỉ năng suất thấp, sử dụng nhiều chất hóa học còn ảnh hưởng đến đất, gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng kể từ khi tham gia HTX Nông nghiệp, Dịch vụ Công Bằng Ea Tu, bà H’Yiam thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cà phê cao hơn. Nếu như trước đây mỗi năm thu hoạch được khoảng 5 tấn cà phê nhân, thì nay cũng cùng diện tích, gia đình bà thu 7 tấn cà phê nhân.
“Liên kết với HTX cà phê bán giá cao hơn ngoài thị trường, gia đình tôi còn được hướng dẫn trồng xen canh hồ tiêu, sầu riêng trong vườn cà phê, hiệu quả sản xuất càng cao hơn”, bà H’Yiam chia sẻ.
Cùng với cà phê, cây hồ tiêu trên địa bàn Buôn Ma Thuột cũng đang mang lại giá trị cho người nông dân. Năm nay cũng liên tục tăng mạnh, giá tiêu thu mua trung bình tại các địa bàn trọng điểm là 157.700 đồng/kg, các nhà vườn có thể thu về 200-250 triệu đồng/ha.
Câu chuyện trồng xen canh thành công như gia đình ông Y Drin Niê hay bà H’Yiam không phải là hiếm ở Ea Tu, nhờ sự chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đời sống của người dân Ea Tu đã có những thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Con cái của họ cũng có điều kiện học hành tốt hơn.
Quan trọng hơn, người nông dân đã không còn cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà thu nhập vẫn bấp bênh. Thay vào đó, họ đã trở thành những người nông dân chuyên nghiệp, làm chủ được quy trình sản xuất và có thu nhập ổn định từ những loại cây trồng mới.
HTX "chắp cánh" cho nông dân Ea Tu làm giàu từ đa dạng nông sản
Vai trò của các HTX nông nghiệp ở Ea Tu trong quá trình chuyển đổi cây trồng như hai câu chuyện trên là vô cùng to lớn và không thể phủ nhận. Họ không chỉ là những tổ chức kinh tế đơn thuần mà còn là cầu nối, là người bạn đồng hành tin cậy của bà con nông dân trên con đường làm giàu.
Lãnh đạo một HTX cho biết, việc ‘chắp cánh’ thay đổi nhận thức bắt đầu từ việc định hướng và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo đó, các HTX đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá tiềm năng của nhiều loại cây trồng khác nhau, từ các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ Booth, mít Thái, xoài cát Chu, đến các loại cây công nghiệp ngắn ngày như hồ tiêu, các loại rau màu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, mời các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho từng loại cây, giúp người nông dân nắm vững quy trình canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tiếp đó, các HTX còn đẩy mạnh hỗ trợ giống vốn và vật tư nông nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất của người nông dân khi chuyển đổi cây trồng là vấn đề về vốn và giống. Các HTX đã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, HTX cũng tổ chức mua chung các loại giống cây trồng chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá cả hợp lý, giúp giảm chi phí đầu vào cho người nông dân.
Sau khi hỗ trợ người nông dân sản xuất, có sản phẩm, các HTX đứng ra thu mua và chế biến nông sản. Nếu như trước đây, người nông dân Ea Tu thường phải tự mình tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, chịu nhiều rủi ro về giá cả và bị thương lái ép giá, thì nay, các HTX đã đảm nhận vai trò thu mua nông sản cho các thành viên với giá cả ổn định và cạnh tranh. Một số HTX còn mạnh dạn đầu tư vào hệ thống sơ chế, chế biến nông sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, “sức” của HTX có hạn nên việc thu mua sẽ bị hạn chế, nắm bắt được vấn đề này mà các HTX đã chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, các HTX đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. HTX đứng ra ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân. Mô hình liên kết này không chỉ giúp người nông dân yên tâm sản xuất mà còn tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, HTX còn là nơi để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cây trồng và phát triển kinh tế. Những mô hình thành công được nhân rộng, những khó khăn vướng mắc được cùng nhau tháo gỡ, tạo nên một cộng đồng nông dân đoàn kết, vững mạnh.
Nông dân đổi đời, làm giàu bền vững
Đắk Lắk hiện có khoảng 213.000ha cà phê. Trong đó, hơn 40% diện tích cà phê đã được người dân đa dạng hóa cây trồng. Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích bà con đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê nhằm gia tăng nguồn thu nhập, bảo vệ môi trường, hướng tới nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhờ sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả của tỉnh, huyện và các HTX nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp của xã Ea Tu đã có những thay đổi ngoạn mục. Những vườn cà phê độc canh dần được thay thế bởi những vườn sầu riêng trĩu quả, những nương bơ xanh mướt, những cánh đồng rau màu tươi tốt. Người nông dân Ea Tu không chỉ thoát khỏi cảnh khó khăn mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Nhiều hộ nông dân ở Ea Tu đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thu nhập sau khi chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thay vì chỉ thu hoạch một vụ cà phê mỗi năm, họ có thể thu hoạch nhiều vụ trái cây, rau màu, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần. Nhiều mô hình trồng sầu riêng, bơ Booth đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm cho nhiều hộ gia đình.
Nhờ trồng sầu riêng xen canh hồ tiêu đã giúp nông dân thắng lớn, cuộc sống đổi thay từng ngày.
Đơn cử như hộ ông Lê Trọng Minh (huyện Krông Pắc) với diện tích 1,7 ha sầu riêng trồng xen trong cà-phê, gia đình ông Minh chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học chứa thành phần nấm đối kháng để cung cấp dinh dưỡng, phát triển bộ rễ, tăng sức đề kháng tự nhiên của cây trồng đối với các loại sâu bệnh. Việc ghi nhật ký cũng trở thành thói quen, giúp ông kiểm soát tốt quy trình canh tác, theo dõi đặc điểm thời tiết, đặc tính sâu bệnh qua từng năm, củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm. Niên vụ này, vườn sầu riêng của gia đình ông đã cho thu hoạch 45 tấn, với 90% hàng loại A, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc các HTX đẩy mạnh hỗ trợ các thành viên đa dạng hóa cây trồng còn giúp tạo ra nhiều việc làm ổn định. Các công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế các loại nông sản mới đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm vào thời điểm nông nhàn, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên.
Nhờ đó, đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, kinh tế phát triển đã giúp người dân Ea Tu có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Con cái của họ cũng có cơ hội được học hành tốt hơn, tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao hơn.
Đặc biệt, sự chung tay hỗ trợ của các HTX đã giúp người dân có kế hoạch, tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững. Việc chuyển đổi sang đa dạng cây trồng còn góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất đai, giảm thiểu rủi ro từ sâu bệnh và biến đổi khí hậu. Các HTX cũng khuyến khích người dân áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Câu chuyện thành công của Ea Tu là một minh chứng sinh động cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần đổi mới sáng tạo và vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống cho người nông dân. Từ những nương cà phê độc canh, Ea Tu đã vươn mình trở thành một vùng đất trù phú với đa dạng nông sản, nơi người nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu một cách bền vững, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho quê hương.
Quốc Anh
Bài 2: Từ cây cà phê độc canh đến đa dạng nông sản: Hiệu quả kinh tế gắn liền với cơ hội việc làm
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tu-cay-ca-phe-doc-canh-den-da-dang-nong-san-ba-i-1-buoc-ngoat-cua-nong-dan-htx-o-ea-tu-1106342.html