Từ cây xóa đói thành mặt hàng tỷ đô

Từ cây xóa đói thành mặt hàng tỷ đô
một ngày trướcBài gốc
Đồi chè tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Tiểu Thủy Sơn.
Nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững vùng trồng chè
Với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Đài - người đã có hơn 50 năm gắn bó và nghiên cứu về cây chè Tân Cương thì chè Tân Cương không chỉ là sinh kế mà là một phần của tâm hồn, của văn hóa. Người dân ngày nay trồng chè không chỉ vì hương vị, mà vì niềm tự hào của mảnh đất này.
Ở tuổi 85, ông Đài kể lại chi tiết về các nhân vật lịch sử đã góp phần làm nên danh tiếng của trà Tân Cương. Nổi bật là vị Tuần phủ Thái Nguyên Nguyễn Đình Tuân đầu thế kỷ 20 đã cho khẩn hoang và đặt tên cho vùng đất Tân Cương. Sau đó vào năm 1925, ông Vũ Văn Hiệt đã đưa giống chè từ Phú Thọ về Tân Cương trồng, với mong muốn tạo việc làm xóa đói cho người dân. Kết quả không ngờ, loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng, thơm ngon, đậm đà. Khi pha vào nước nóng, trà nở ra như đôi cánh chim, nên sau đó được gọi là “trà Cánh Hạc”.
Thái Nguyên hiện có 62 công ty và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 hợp tác xã và 251 làng nghề truyền thống, với hơn 91.000 hộ gia đình tham gia vào ngành chè.
Tới nay, vùng chè Tân Cương đã phát triển mở rộng diện tích hơn 1.500 ha, trên địa bàn 6 xã thuộc thành phố Thái Nguyên là Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà. Sản lượng chè Tân Cương đạt hơn 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu.
Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 22.200 ha chè, với sản lượng búp tươi đạt hơn 272.000 tấn và giá trị sản phẩm ước tính lên đến 13.800 tỷ đồng. Với những con số ấn tượng này, Thái Nguyên không chỉ dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng chè, mà còn là vùng đất có giá trị thu nhập từ cây chè và sản phẩm thu được trên mỗi ha đất trồng chè lớn nhất.
Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên chia sẻ, để phát triển mạnh mẽ ngành chè, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hiệu quả, như hỗ trợ phân bón hữu cơ và sinh học, chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, cũng như áp dụng cơ giới hóa và hệ thống tưới tiết kiệm nước. Những nỗ lực này giúp nâng cao giá trị của sản phẩm trà, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát quỹ đất, mở rộng diện tích trồng chè và bảo vệ nghiêm ngặt những khu vực đã dành riêng cho phát triển cây chè. Tỉnh cam kết không chuyển đổi mục đích sử dụng đất chè sang các dự án khác, trừ những dự án trọng điểm quốc gia, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng trồng chè.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, từ năm 2021, Thái Nguyên đã trồng hơn 1.700 ha chè mới, đưa tỷ lệ diện tích chè giống có năng suất, chất lượng cao lên đến 82,8%. Trong đó, giống chè Trung du cổ chiếm khoảng 17% diện tích chè toàn tỉnh, vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống của vùng đất Thái Nguyên. Ngoài ra các giống chè lai có giá trị cao cũng được đưa vào sản xuất, làm phong phú thêm hương vị trà Thái Nguyên.
Chợ chè Phúc Trìu (Thái Nguyên) đã hình thành từ 40 năm nay. Ảnh: Tiểu Thủy Sơn.
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Hiện nay, hơn 7.000 ha chè của tỉnh Thái Nguyên đã được trang bị hệ thống tưới nước tự động và bán tự động (chiếm hơn 30%), trong đó 5.788 ha chè đạt chứng nhận VietGAP, 132 ha đạt chứng nhận hữu cơ và có 62 mã vùng trồng chè được gắn định vị GPS toàn cầu, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách minh bạch và rõ ràng.
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên cho biết, từ năm 2019 đến nay, ngành chè Thái Nguyên đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Cùng với đó, 47 cơ sở sản xuất và kinh doanh chè đã được xác nhận đạt chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” và 10 nhãn hiệu tập thể, đồng thời cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho 204 đơn vị và hộ sản xuất. Không chỉ vậy, nhãn hiệu này cũng đã được bảo hộ tại 6 quốc gia trên thế giới.
Khẳng định vị thế của cây chè trong nền kinh tế địa phương, ngày 3/2/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030; kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, cùng nhau nâng tầm giá trị cây chè và văn hóa trà Thái Nguyên.
Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2030, diện tích trồng chè của tỉnh sẽ tăng lên 24.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 300.000 tấn/năm, với sự ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong mọi khâu sản xuất. Đồng thời, Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển hơn 250 sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP 3 - 5 sao, trong đó ít nhất 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Một trong những mục tiêu quan trọng là 100% sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè sẽ được thương mại hóa qua các nền tảng thương mại điện tử.
Tất cả những mục tiêu và giải pháp đều hướng tới việc nâng tầm giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên, phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm từ cây chè đạt 25.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Thái Nguyên quyết tâm đưa ngành chè vươn xa, không chỉ trong nước mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ chè thế giới.
Toán Nguyễn - Tiểu Thủy Sơn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tu-cay-xoa-doi-thanh-mat-hang-ty-do-10303085.html