Chị Hoàng Thị Út chăm sóc đào
HÀNH TRÌNH LẬP NGHIỆP ĐẦY GIAN NAN
Sinh ra và lớn lên tại làng hoa Hồng Việt, Đông Hưng, Thái Bình - “cái nôi” trồng đào truyền thống, chị Hoàng Thị Út mang theo tình yêu với cây cảnh và khát vọng lập nghiệp khi vào Lâm Đồng làm công nhân cầu đường vào năm 1995. Hai năm sau, vào năm 1997, chị lấy chồng cũng là người cùng làng. Khi có điện, vợ chồng chị bắt đầu đưa quất cảnh từ quê hương vào trồng thử nghiệm với khoảng 200 cây.
Thị trường ban đầu đầy thách thức. Vợ chồng chị phải tự mình mang quất đi bán tại địa phương, thậm chí thuê xe chở hàng xuống tận Sài Gòn để thuê chỗ bán. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và chất lượng sản phẩm, tiếng lành đồn xa, khách hàng dần tìm đến. Khoảng 10 năm trở lại đây, chị Út không còn phải ra chợ bán nữa mà khách hàng tự tìm tới nhà, biến cái tên vườn đào Duy Khương trở nên quen thuộc với thương lái gần xa.
Sau hơn một thập kỷ gắn bó với cây quất (1997 - 2008), vợ chồng chị Út nhận thấy hiệu quả kinh tế không như mong muốn. Với kinh nghiệm trồng đào từ quê nhà, vào năm 2008, anh chị mạnh dạn chuyển hướng, bắt đầu đưa hơn 100 cây đào đầu tiên vào trồng thử nghiệm. “Trồng quất một vài năm, thấy không hiệu quả lắm, vợ chồng tôi liền chuyển hướng làm ăn và quyết định trồng và nhận chăm sóc đào vì nghĩ cây đào vốn đắt tiền mà chơi một lần rồi bỏ đi thì phí quá!”, chị Út chia sẻ. Năm đầu tiên trồng đào, tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 50-60% do chưa nắm vững hoàn toàn kỹ thuật và điều kiện thời tiết tại Lâm Đồng. Nhưng với quyết tâm và sự tỉ mỉ, sang năm thứ hai, vợ chồng chị đã nắm vững kỹ thuật hơn, số lượng cây trồng và nhận chăm sóc cũng tăng dần. Ba năm sau đó, chị Út quyết định bỏ hẳn việc trồng quất để chuyên tâm hoàn toàn vào trồng đào.
Đến nay, mỗi dịp tết, vườn đào Duy Khương của chị Út xuất bán khoảng 3.000 cây đào, cùng với gần 2.000 gốc đào do khách gửi chăm sóc. “Trong số gần 5.000 gốc đào ở đây, có khoảng 3.000 cây là do khách gửi chăm sóc, nửa còn lại vợ chồng tôi trồng để bán hoặc để thế cho khách nếu như cây đào mà chúng tôi nhận chăm sóc của khách không ra hoa như ý muốn. Nhưng chắc trời cũng thương, thời tiết đa phần là thuận lợi nên từ lúc thật sự bắt tay vào kinh doanh loại hình này tới giờ, đào lúc nào cũng ra hoa đẹp, đều với tỷ lệ 90%”, chị Út tự hào cho biết.
Song song với việc trồng đào, từ năm 2008, vợ chồng chị Út còn thuê 2 ha đất để trồng rau màu (la ghim). Tuy nhiên, từ năm 2021, chị đã ngừng trồng la ghim để tập trung hoàn toàn vào cây đào.
“HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG”
“Hữu xạ tự nhiên hương”, những gốc đào rực rỡ dưới bàn tay khéo léo của chị Út đã thu hút khách hàng không chỉ ở Đức Trọng mà còn từ Đà Lạt, Lâm Hà, Di Linh và thậm chí là tận Sài Gòn. Nhiều người sau khi chơi tết xong đã gửi đào lên nhờ anh chị chăm sóc. Với mức phí chăm sóc dao động từ 2 triệu đồng/gốc, đây là một dịch vụ được đánh giá là khá “mềm” so với việc mua gốc cây mới. Với sự nỗ lực không ngừng, vườn đào của chị Hoàng Thị Út đã mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị có thể thu về 1 tỷ đồng.
Thành công của chị Út không chỉ dừng lại ở quy mô gia đình. Khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, hai người anh, em trai của chị cũng chuyển sang trồng đào và được chị tận tình hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu mối lái ban đầu. Đặc biệt, từ năm 2018, con trai chị Út, sau khi học xong lớp 12, cũng theo nghề của bố mẹ, tiếp nối truyền thống gia đình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Út còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Chị hiện là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ tổ 32, xã Đức Trọng, và là một điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025, vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen.
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Út là nguồn cảm hứng lớn, khẳng định rằng, với sự kiên trì, đam mê và nỗ lực không ngừng, bất kỳ ai cũng có thể gặt hái thành công và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
VÕ LAN