Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên
Niềm kiêu hãnh trên đỉnh núi Rồng
Có một sự tình cờ thú vị, đó là đoàn chúng tôi hẹn nhau ở khu vực Cột cờ Hà Nội, một biểu tượng của Thủ đô để đón xe khởi hành từ Hà Nội di chuyển lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên và Cột cờ Lũng Cú (nay thuộc tỉnh Tuyên Quang). Nếu bạn là độc giả yêu mến Báo An ninh Thủ đô, sẽ thấy Cột cờ Hà Nội được trang trọng đặt bên cạnh măng-sét của số báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố về Thủ đô ngàn năm văn hiến, về trách nhiệm vẻ vang khi vinh dự là người “gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon” nơi trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của cả nước…
Ngồi trên xe trong hành trình di chuyển lên tỉnh mới Tuyên Quang, tôi có dịp suy ngẫm về hai biểu tượng lịch sử: Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Lũng Cú. Điểm chung dễ nhận thấy, đó đều là nơi tôn nghiêm treo cờ Tổ quốc, biểu tượng quốc gia, thể hiện quyền uy của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để có được lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên từng tấc đất quê hương, trải dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đã biết bao máu xương của các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh đã đổ xuống tô thắm thêm lá quốc kỳ.
Cột cờ Hà Nội
Nếu Cột cờ Hà Nội là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô, gắn với Hoàng thành Thăng Long, thì Cột cờ Lũng Cú là biểu tượng khẳng định chủ quyền quốc gia thiêng liêng, nơi phên dậu địa đầu đất nước. Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử, được xây dựng năm 1812 dưới thời Vua Gia Long (triều Nguyễn). Đây là công trình nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Với chiều cao 33,4m (chưa tính cán cờ), cột cờ được xây dựng bao gồm 2 tầng đế và 1 thân cột. Ngày 10-10-1954, những đoàn quân chiến thắng từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đánh dấu ngày trở lại của Chính phủ Cụ Hồ.
Vượt quãng đường hơn 400km từ Hà Nội đến với Di tích lịch sử - danh thắng quốc gia Cột cờ Lũng Cú, khi đoàn chúng tôi đến nơi đã vào buổi chiều. Được biết, buổi sáng, Đồn Biên phòng Lũng Cú vừa thực hiện nghi lễ chào cờ trong ngày đầu tiên sáp nhập tỉnh Hà Giang vào tỉnh Tuyên Quang. Thật tiếc vì không được chứng kiến quang cảnh buổi lễ trang nghiêm ấy. Leo lên đỉnh núi, có độ cao 1.500m so với mực nước biển, phóng tầm mắt ra 4 hướng núi non trùng điệp, xa xa là đường biên giới, chúng tôi cảm nhận Tổ quốc mình thật hùng vĩ và từng tấc đất nơi đây bỗng hóa thiêng liêng. Một bác cựu chiến binh, trên ngực lấp lánh Huân chương và Kỷ niệm chương mặt trận Vị Xuyên đứng nghiêm chào lá Quốc kỳ đang kiêu hãnh tung bay giữa bầu trời Tổ quốc. Ai đó cất vang bài hát Quốc ca, rồi tất cả những người có mặt tại Cột cờ Lũng Cú đều đồng thanh đặt tay lên ngực trái hát theo. Một cảm giác xúc động và linh thiêng trên đỉnh núi Rồng.
Cột cờ Lũng Cú
Khác với Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Lũng Cú được thiết kế hình bát giác, trên cột cờ có gắn 8 mặt trống đồng, dưới bệ bát giác là 8 bức phù điêu thể hiện phong tục, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc. Công trình có chiều cao 34,85m, nổi bật với lá cờ đỏ sao vàng có chiều dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp đất nước Việt Nam, cùng nhau sống hòa thuận, đoàn kết. Những du khách đến với mảnh đất cao nguyên đá, dù đường đi có quanh co, hiểm trở, nhưng không ai bỏ qua điểm tham quan này.
Những giọt máu đào tô thắm cờ Tổ quốc
Năm nay đánh dấu cột mốc 80 năm thành lập nước. Trước đó, chúng ta đã long trọng kỷ niệm ngày thống nhất non sông, đánh dấu nền hòa bình trên khắp Việt Nam. Nhưng độc lập, hòa bình chỉ thực sự bền vững khi chúng ta luôn đề cao cảnh giác, nắm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực tế ngay sau năm 1975, Khmer đỏ đưa quân gây hấn ở biên giới Tây Nam, rồi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm đe dọa nền hòa bình trên đất nước ta. Trong 6 tỉnh biên giới thì mặt trận Vị Xuyên là nơi ác liệt nhất, được ví như “Lò vôi thế kỷ”. Chỉ tính riêng từ năm 1984 đến 1989, ở đây đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ngã xuống...
Trước khi tới Cột cờ Lũng Cú, đoàn chúng tôi tới Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên để thành kính dâng hương, tưởng nhớ gần 2.000 liệt sĩ. Tại đây, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện xúc động về tấm gương hy sinh của những người con quả cảm đất Việt. Như trường hợp của y tá, Thượng sĩ Lê Trần Mãn. Từ 14 đến 18-1-1985, địch bắn hàng nghìn quả đạn pháo và liên tiếp xua quân nhằm chiếm Điểm cao 685. Đơn vị của Thượng sĩ Lê Trần Mãn thương vong gần hết, chỉ còn lại anh và 3 đồng đội. Quyết tâm không để địch chiếm vị trí, anh cùng đồng đội chiến đấu quả cảm, bẻ gẫy 8 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 100 tên. Tuy nhiên, địch vẫn liều chết xông lên, đợt sau đông hơn đợt trước. Lúc này, chiến sĩ thông tin cũng hy sinh, nhận thấy có thể mất điểm cao, Thượng sĩ Lê Trần Mãn đã trực tiếp liên lạc qua radio xin chỉ huy cho pháo bắn trùm lên trận địa, chấp nhận hy sinh để tiêu diệt địch. Những loạt đạn pháo bay đến trong nước mắt của đồng đội đã hòa máu xương anh vào lòng đất mẹ, nhưng sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Liệt sĩ Lê Trần Mãn đã đi vào lịch sử, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên từng tấc đất quê hương.
Cột mốc Km0 Hà Giang vẫn được giữ lại sau sáp nhập tỉnh và là điểm check in quen thuộc của du khách
“Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” là lời thề của các chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên năm nào vẫn được khắc ghi tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Trước đó, những dòng chữ bất hủ này được ghi trên báng súng của Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, người được giao nhiệm vụ cùng đồng đội bảo vệ Điểm E5 thuộc Điểm cao 685. Mặc dù bị thương vào tay, nhưng anh vẫn treo tay lên để bám trụ trận địa trước những đợt tấn công ào ạt, áp đảo về quân số của địch. Trưa 19-1-1985, anh tiếp tục bị thương ở chân, song nhất định không chịu lên cáng về tuyến sau mà ôm chặt khẩu AK, thực hiện lời thề quyết tử “bám đá” đánh giặc. Đến chiều 19-1 (đúng ngày 29 Tết) anh đã “hóa đá bất tử” khi bị thêm một vết thương nặng ở đầu. Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh hy sinh ở tuổi 24.
40 năm đã trôi qua, nhưng thanh xuân của các anh thì mãi mãi dừng lại nơi mặt trận Vị Xuyên ác liệt, để giữ vững chủ quyền quốc gia và nền hòa bình cho đất nước. Trên đường trở về Thủ đô, tôi bỗng nhớ đến lời nói của một bác cựu chiến binh, thương binh mất một chân, khi gặp bác đi tham quan Triển lãm quốc phòng 2024 tại Hà Nội. Khuôn mặt bác toát lên niềm tự hào khi thấy quân đội ta đang sở hữu những khí tài quân sự ngày càng hiện đại. Rồi bác quay sang tôi nói: “Trong chiến tranh hiện đại, làm chủ khí tài quân sự tiên tiến là cần thiết. Nhưng theo anh, ngoài yếu tố đó, điều gì làm nên sức mạnh của một dân tộc?”. Tôi đang bất ngờ trước câu hỏi của bác, thì được nghe giải thích: “Đó là sức mạnh chính trị, sức mạnh đoàn kết. Ngày xưa làm gì có những khí tài như thế này, nhưng chúng tôi vẫn đánh thắng tất cả các đế quốc hùng mạnh đến xâm lược đất nước mình”.
Đúng vậy! Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh của lòng dân, đã được minh chứng trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh nội sinh, nội lực của cả dân tộc. Bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, những người lính dù là Quân đội hay Công an, tất cả đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, độc lập và sự bình yên của nhân dân.
Trần Minh