Từ đạt chuẩn đến nâng chuẩn: Nông thôn mới cần đột phá

Từ đạt chuẩn đến nâng chuẩn: Nông thôn mới cần đột phá
5 giờ trướcBài gốc
Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đang bước vào giai đoạn bản lề với không ít địa phương đã đạt chuẩn nhưng lại đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh mang tính chất "hậu đạt chuẩn". Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy thẳng thắn chỉ ra: “Đây không còn là dự báo mà là thực trạng hiện hữu, đòi hỏi một chặng đường rất dài để khắc phục, với sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Quốc Chuyển
Hậu đạt chuẩn và bài toán giữ vững thành quả
Trong quá trình triển khai chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bên cạnh những chuyển biến tích cực, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề mang tính chất hậu đạt chuẩn, như sản xuất nhỏ lẻ quay trở lại, hợp tác xã hình thức, đời sống nông dân chưa ổn định bền vững. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Đây không còn là dự báo, mà là thực trạng hiện hữu và để giải quyết thực trạng này, chúng ta sẽ cần một chặng đường rất dài, đòi hỏi nỗ lực phối hợp của cả Nhà nước, người dân và các tổ chức kinh tế của nông dân.
Một thực tế dễ nhận thấy là hợp tác xã vẫn còn mang tính hình thức, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Đời sống của người dân nhiều nơi chưa thực sự ổn định, chưa bền vững.
Tôi cho rằng, điểm yếu lớn nhất chính là thiếu một chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Chúng ta vẫn còn tư duy sản xuất theo mùa vụ, buôn bán theo thời vụ, thiếu tính ổn định và định hướng thị trường.
Theo tôi, có 3 vấn đề chính mà chúng ta cần tập trung giải quyết: Tình trạng quay trở lại sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tôi dùng từ "gót chân" để nói về điểm yếu cố hữu trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là mô hình sản xuất nhỏ, phân tán, liên quan chặt đến đất đai, cơ sở hạ tầng và liên kết chuỗi còn lỏng lẻo.
Lão hóa lực lượng lao động nông thôn. Lao động trẻ gần như không còn mặn mà với nông nghiệp. Nông thôn giờ chủ yếu là “lão nông chi điền”, còn “thanh niên chi điền” thì rất ít. Đây là bài toán về cơ cấu lao động cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Thiếu lực đẩy để công nghiệp hóa nông nghiệp. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với công nghệ, thị trường, logistics còn rời rạc. Điều này khiến nông nghiệp khó tạo ra giá trị gia tăng và càng dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: nhỏ lẻ, thu nhập thấp, thiếu đầu tư, tụt hậu.
Do đó, nếu không có một chiến lược thực sự bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất, thì nông thôn Việt Nam sẽ còn gặp nhiều thách thức trong hành trình hội nhập vào các chuỗi giá trị lớn hơn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Cho nên, khi nói đến một cuộc cách mạng về số hóa và thương mại điện tử trong nông nghiệp hiện nay, có thể thấy rõ sự lúng túng và nhiều khó khăn.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay còn gặp thêm thách thức từ chất lượng nguồn lao động địa phương. Lực lượng lao động đã bị già hóa quá nhanh, trong khi đó lại thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, được đào tạo bài bản. Điều này khiến chúng ta khó có thể tổ chức được vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, cũng như khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất hay tiếp cận thị trường một cách chuyên nghiệp.
Vấn đề thứ hai là hợp tác xã vẫn còn mang tính hình thức ở nhiều địa phương, nhất là ở những vùng không có cây trồng chủ lực. Khi không có sản phẩm chủ lực, thì rất khó để nói đến việc tích tụ đất đai, xây dựng thương hiệu, hay phát triển chuỗi giá trị; trong khi đó, đây lại chính là các yếu tố cốt lõi mà hợp tác xã cần có để vận hành hiệu quả.
Điều mà người nông dân đang thiếu nhất, và thị trường đang để trống, đó là sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đầu tư vào khu vực này, không chỉ bằng tài chính, mà còn bằng khoa học kỹ thuật, bằng hệ thống thị trường, và bằng hợp đồng dài hạn, để người nông dân có thể đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi thị trường.
Nhưng rõ ràng, ở nhiều nơi, hợp tác xã vẫn chỉ mang tính hình thức và một trong những nguyên nhân gốc rễ là thiếu cán bộ có chuyên môn, có năng lực điều hành. Đây là khâu cần được ưu tiên đào tạo, nâng cấp và bố trí phù hợp nếu muốn hợp tác xã thực sự trở thành một mắt xích hiệu quả trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại.
Ở đây, câu chuyện về chuyên môn cần được hiểu cụ thể, đó là năng lực về nắm bắt thị trường, quản lý tài chính và đặc biệt là trong quá trình xây dựng phương án sản xuất, thì nhiều hợp tác xã không có các nội dung liên quan đến phòng chống rủi ro. Đây là điểm yếu phổ biến trong đội ngũ giám đốc hợp tác xã tại cơ sở. Vì vậy, khi xảy ra biến động, các đơn vị này thường rất bị động, thậm chí rơi vào thế bế tắc.
Thứ ba, xét về phía người nông dân, thu nhập hiện vẫn còn rất bấp bênh, thiếu ổn định. Một phần nguyên nhân là do biến động thị trường và thị hiếu người tiêu dùng ngày càng nhanh và khó lường. Điều này đòi hỏi vai trò của chuyên gia thị trường phải rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và hệ thống phân phối đầu vào, đặc biệt là về vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Khâu kiểm soát giá cả, chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa được thực hiện chặt chẽ, gây áp lực lớn cho người sản xuất.
Tóm lại, có ba yếu tố lớn đang làm cho thu nhập của người nông dân thiếu ổn định: Thiếu năng lực chuyên môn trong quản lý sản xuất tại cơ sở; biến động thị trường và nhu cầu tiêu dùng; hệ thống cung ứng đầu vào còn lỏng lẻo, thiếu kiểm soát.
Để giải quyết căn cơ, tôi cho rằng cần có chính sách phù hợp, đồng thời phải tổ chức lại sản xuất, hướng đến việc xây dựng một lớp nông dân chuyên nghiệp. Khi đó, chúng ta mới có thể đi xa hơn, bài bản hơn trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.
Tôi hy vọng rằng, khi Việt Nam bước vào một quỹ đạo phát triển dựa trên nền tảng pháp luật và thị trường, thì cũng sẽ hình thành một lớp nông dân chuyên nghiệp - những người có tri thức, có tư duy sản xuất hiện đại và đủ năng lực để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng.
Trong quá trình chuyển từ đạt chuẩn sang nâng chuẩn nông thôn mới, một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để đồng hành cùng người nông dân trong việc thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ làm nông thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông thôn. Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất đang cản trở quá trình này?
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Tôi cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay chính là tư duy sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết và thiếu tư duy thị trường.
Nếu nhìn vào chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị, thì khâu đầu tiên vẫn là sản xuất và khâu cuối cùng vẫn là thị trường. Vậy mà cả hai điểm “đầu” và “cuối” này đều đang gặp vấn đề. Đây chính là nút thắt lớn nhất mà chúng ta phải tháo gỡ.
Vậy cần ưu tiên điều gì? Theo tôi, ưu tiên hàng đầu là đặt người nông dân vào trung tâm của quá trình phát triển và điều đó phải được thể hiện qua bốn trụ cột chính sách: Chính sách hỗ trợ; chính sách đào tạo; chính sách công nghệ; chính sách thị trường.
Chỉ khi người nông dân được tiếp cận đầy đủ với cả bốn chính sách này, thì họ mới có thể tự chủ sản xuất, chủ động tiêu thụ, tự tin hội nhập.
Để làm được điều này, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ phải đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn, cụ thể là 5 năm sau phải đầu tư gấp hai lần 5 năm trước.
Đây không phải là kiến nghị mới, mà đã được nêu rõ trong Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2007 và gần đây tiếp tục được tái khẳng định trong Nghị quyết 19-NQ/TW. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là trong vấn đề tín dụng nông nghiệp, đầu tư công cho hạ tầng sản xuất và tạo điều kiện về thị trường.
Nếu không có bước đột phá thực sự về nguồn lực đầu tư, chính sách tín dụng, và cơ chế thị trường thì mọi chiến lược sẽ chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.
Vì vậy, phải đặt người nông dân thực sự vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển và đồng thời, họ cũng cần được nhìn nhận như những nhà sản xuất kinh doanh chủ động, không chỉ là người làm thuê trong chính ruộng vườn của mình.
Thưa ông, trong giai đoạn tới, cần ưu tiên điều gì để nông dân thực sự trở thành chủ thể phát triển, làm chủ cả sản xuất, công nghệ lẫn thị trường?
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Về mặt tư duy kinh tế, tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp cận theo hướng bốn phép tính cơ bản:
Phép cộng: Là sự liên kết.
Cộng người nông dân với người nông dân thành hợp tác xã.
Cộng hợp tác xã với hợp tác xã thành liên minh hợp tác xã.
Cộng liên minh hợp tác xã với doanh nghiệp tạo thành ngành hàng.
Và chỉ khi ngành hàng được hình thành thì mới tạo ra được hệ sinh thái đủ sức khai thác các lợi thế từ FTA, mới đáp ứng được các yêu cầu về kỷ cương, tiêu chuẩn, giá trị sinh lời cao, từ đó đưa sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Nếu chúng ta không tạo ra được chuỗi liên kết này, hoặc để "tắc mạch" ở một khâu nào đó, thì sản xuất rất dễ quay lại mô hình cũ: Nhỏ lẻ, manh mún, phi chuẩn hóa.
Phép trừ: Là công tác quản lý.
Trừ đi các rào cản, tiêu cực, gian lận trong vật tư đầu vào.
Trừ đi hàng kém chất lượng, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật không đạt chuẩn.
Trừ đi các chi phí vô hình làm giảm niềm tin và lòng dân. Khi lòng dân đã yên, người nông dân sẽ sẵn sàng sáng tạo và cống hiến.
Phép nhân: Chính là khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Khoa học công nghệ chính là lực đẩy nhân lên giá trị sản phẩm. Nếu thiếu công nghệ, từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc thì rất khó để nâng cao giá trị gia tăng.
Chỉ khi sản xuất đi liền với tiêu chuẩn, đi liền với công nghiệp hỗ trợ, thì truy xuất nguồn gốc mới minh bạch và giá trị nông sản mới thực sự bền vững.
Phép chia: Chính là chia sẻ lợi ích và chia sẻ trách nhiệm.
Phải chia đúng, chia đều trong chuỗi giá trị. Người nông dân không thể mãi là người "cầm phần rủi ro", trong khi doanh nghiệp nắm trọn phần lãi.
Nông thôn mới không chỉ là đích đến, mà là hành trình nâng chuẩn liên tục. Ảnh minh họa
Nói tóm lại, nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất bằng tư duy của bốn phép tính kinh tế: Cộng - trừ - nhân - chia, thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà cả trên bản đồ thế giới.
Tôi cho rằng, trong chuỗi phép tính mà chúng ta vừa đề cập, phép tính chia là yếu tố mang tính then chốt và cũng là thước đo cuối cùng cho sự công bằng và bền vững.
Phép chia ở đây chính là sự công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa tất cả các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, bao gồm: Người nông dân; hợp tác xã, tổ hợp tác; doanh nghiệp; nhà phân phối; nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.
Khi tất cả cùng “hòa nước sông, chén rượu một ngày”, tức là chia sẻ trách nhiệm và hưởng lợi công bằng, thì liên kết bốn nhà, thậm chí là năm nhà, mới thực sự bền chặt.
Xét đến cùng, lợi ích phải quay về với người lao động, người trực tiếp sản xuất, người dám đổi mới và sáng tạo. Lợi ích cũng cần trả công xứng đáng cho doanh nghiệp, những người khai phá thị trường; cho các nhà khoa học, những người tạo ra tiến bộ kỹ thuật và cho nhà nước, nhà hoạch định chính sách, những người kiến tạo môi trường và thể chế phát triển.
Tôi tin rằng, người nông dân hôm nay đã, đang bước vào một quỹ đạo phát triển mới. Họ cần được trao quyền, được đồng hành, và được khẳng định là chủ thể của sự đổi mới nông thôn, người giữ vai trò quyết định trong thành công của cả chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Nông thôn mới không chỉ là đích đến, mà là hành trình nâng chuẩn liên tục, đòi hỏi thay đổi từ tư duy đến hành động. Khi người nông dân thực sự trở thành trung tâm được hỗ trợ đúng, được trao quyền thật thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng.
Nguyễn Thanh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tu-dat-chuan-den-nang-chuan-nong-thon-moi-can-dot-pha-410275.html