Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Khi Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam - một mức thuế kỷ lục, đe dọa trực tiếp đến dòng chảy xuất khẩu trị giá gần 120 tỷ USD mỗi năm, đến sinh kế của hàng triệu lao động, thì phản ứng của lãnh đạo cấp cao không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhạy, mà cần đến tư duy tổng thể về kinh tế chính trị và khả năng xử lý khủng hoảng ở cấp quốc gia. Chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ động điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, lựa chọn hình thức cao nhất trong ngoại giao để đối thoại trực tiếp, minh bạch và dứt khoát.
Nội dung của cuộc điện đàm cho thấy rõ bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo quốc gia thực thụ. Khi đề xuất giảm về 0% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, Tổng Bí thư không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác mà còn khéo léo đặt vấn đề công bằng thương mại trên nguyên tắc “có đi có lại”, đồng thời bảo vệ các ngành sản xuất và lực lượng lao động trong nước trước nguy cơ bất ổn.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là cách Tổng Bí thư đã chuyển hóa một cuộc điện đàm ứng phó tình huống thành một cánh cửa mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Lời mời chính thức Tổng thống Trump sang thăm Việt Nam không chỉ là một động thái ngoại giao chuẩn mực, mà còn là lời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đồng hành với các cường quốc trên cơ sở tôn trọng, thực chất và vì lợi ích lâu dài. Đây không chỉ là xử lý tình huống, mà là đặt nền móng cho một chu kỳ hợp tác mới trong các lĩnh vực: đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch, giáo dục, chuyển đổi số và thương mại công bằng.
Cuộc điện đàm vì thế không chỉ dừng lại ở chuyện thuế suất. Đó là một bước chuyển mang tính kiến tạo, nơi một nhà lãnh đạo không chỉ lo cho dòng hàng hóa ngắn hạn, mà đang nhìn xa tới vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tính cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế, và quyền lực mềm của Việt Nam trong bàn cờ quốc tế.
Ảnh chụp màn hình thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội Truth Social. Ảnh: Ngọc Quang/PV TTXVN tại Mỹ
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, sự ổn định chính trị là điều kiện cần, nhưng khả năng đối thoại, chủ động dẫn dắt và tạo ra các cơ hội mới mới là điều kiện đủ để một quốc gia vươn mình. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện rõ một tư duy lãnh đạo hiện đại: lấy ổn định làm nền tảng, lấy đối thoại làm phương thức và lấy nhân dân làm trung tâm của mọi quyết sách.
Ở một tầm cao hơn, hành động của Tổng Bí thư cho thấy sự sẵn sàng đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của bản lĩnh, hội nhập và phát triển. Đó không chỉ là đối thoại giữa hai nguyên thủ, mà là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trong một thế giới đang định hình lại trật tự. Khi người đứng đầu Đảng thể hiện rõ năng lực điều hành vĩ mô, hiểu sâu sắc quy luật thị trường, đồng thời có khả năng dẫn dắt và tạo dựng đối tác chiến lược mới, thì niềm tin vào một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng không còn là khát vọng xa xôi, mà đang trở thành hiện thực từng ngày.
Nguyễn Sơn