Tư duy & hành động trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 3): Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tư duy & hành động trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 3): Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả
2 ngày trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Từ chuyện ghi ở nghị trường…
Những ngày này, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trong sáng 31-10-2024, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị… Tại đây, phát biểu về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu băn khoăn của đại biểu liên quan đến cơ chế chính quyền đô thị thế nào, cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước làm sao cho hiệu lực, hiệu quả? Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, không hình thức mà phải đúng thực chất. Tổng Bí thư chia sẻ, từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, theo Tổng Bí thư hiện nay mới làm từ dưới lên, như xã, huyện sáp nhập, còn tỉnh chưa làm tới và mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành… “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Nhưng cách thức phải thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và chỉ rõ, việc ở đâu cũng phải làm, tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được” - Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý và dẫn chứng, hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Còn 30% thì tiền đâu để dành cho quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội...?
Tinh gọn bộ máy sẽ góp phần cho đất nước có những bước phát triển đột phá, bền vững. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhận định, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu vấn đề rất rành mạch, cụ thể, phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước thời gian qua, đây là nội dung rất quan trọng, các ngành, các cấp cần quan tâm. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đều thực hiện tốt, tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập. Tuy vậy, việc thực hiện tinh giản này ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10%, mà không tính tới ở cấp xã chỉ có 1 người làm 1 nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có 3 người, nếu tinh giản còn 2 người không đủ thực hiện nhiệm vụ. Điều này xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành. Tinh giản trong thời gian qua thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương là đúng, nhưng tinh giản theo kiểu cào bằng là chưa hợp tình, chưa hợp lý. Vậy nên, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, cũng như tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ Trung ương là cần thiết.
Còn theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) thì “cần phải cách mạng hóa bộ máy Trung ương và địa phương, các ngành”. Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng nhắc lại dẫn chứng của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương” và cho rằng, kìm hãm sự phát triển của đất nước chính là bộ máy đang quá cồng kềnh, đang “ngốn” đến gần 70% ngân sách Nhà nước để trả lương nhưng lại hoạt động kém hiệu lực, kém hiệu quả.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện ở các nước khác chi trả lương cho bộ máy có hơn 40%, và họ phải dành trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... “Chúng ta so sánh cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế… Vì sao không thể tăng lương? Vì tăng lương cho bộ máy khổng lồ này sẽ lên đến 80-90% chi ngân sách, vậy làm gì còn tiền để dành cho các hoạt động khác” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh và cho rằng, nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, rồi địa phương hỏi mãi không trả lời, rất mất thời gian. Tổng Bí thư cũng dẫn lại việc chỉ một chuyên viên ở đơn vị của bộ có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại, làm sao giải trình, giải thích được những chuyện đó… Chưa hết, theo Tổng Bí thư, còn xảy ra tình trạng một vấn đề có nhiều cơ quan, bộ, ngành cùng tham gia, nhưng cuối cùng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì... không biết. Kỷ nguyên mới là thế nào? Kỷ nguyên mới là chúng ta phải bứt tốc với mục tiêu đến 2045 chúng ta là một nước phát triển, thu nhập cao. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần bây giờ thì mới đạt được mục tiêu” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Đến những yêu cầu đặt ra trong một bài viết
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” mới đây đã đưa ra mệnh đề về điểm hội tụ chiến lược, 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cùng đó đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Và không còn con đường nào khác, bởi chỉ có những đổi mới về thể chế, đổi mới công tác tổ chức bộ máy mới có điều kiện để đạt được những thành tựu lớn.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế “xin - cho”, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”… Tổng Bí thư lưu ý, thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy cần khẩn trương thực hiện “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy” của hệ thống chính trị. Trong đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời, tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong toàn hệ thống chính trị trình Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Từ đó đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nhiệm vụ khác được Tổng Bí thư nhấn mạnh là cần tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, cải cách tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định, phải gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. “Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng: “Vấn đề tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng nước ta trong tình hình mới. Đó cũng là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn phát triển của đất nước, giúp đất nước trên con đường của kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là một “cuộc cách mạng” và mong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư sẽ trở thành lời hiệu triệu để tạo sự chuyển biến cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là trong thời gian tới phải triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương”.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Và câu chuyện tiên phong đi đầu tinh gọn bộ máy tổ chức Bộ Công an
Phải khẳng định ngay, Bộ Công an là đơn vị gương mẫu đi đầu trong tinh gọn tổ chức bộ máy và làm trong sạch đội ngũ. Việc tinh gọn bộ máy, tổ chức theo mô hình mới được đánh giá như một bước đột phá của lực lượng Công an nhân dân. Thời điểm đó, Tổng Bí thư Tô Lâm (trên cương vị Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an) đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá và đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự rõ nét trong công tác xây dựng lực lượng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” có yêu cầu “Đảng ủy Công an Trung ương xây dựng đề án riêng rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng”. Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106) nhằm tái cấu trúc Bộ Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không ngừng củng cố công an khu phố, xã và huyện. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018, về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP ngày
6-8-2019 về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an không tổ chức cấp Tổng cục, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Sau khi tái cấu trúc, tổ chức bộ máy Bộ Công an đã được thiết lập theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối. So với bộ máy trước đây, đến năm 2019, tổ chức Bộ Công an giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; đã tổ chức tinh gọn công an cấp tỉnh, cấp huyện, sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Ban hành, triển khai đồng bộ khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ theo 4 cấp công an, tăng cường điều động cán bộ cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đơn vị cơ sở; bố trí Công an chính quy tại 8.621 Công an xã, thị trấn trên toàn quốc, đạt tỷ lệ 100%...
Thực tế, tinh - gọn - mạnh để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác. Cụ thể, tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân đã được đổi mới theo hướng tinh gọn, đồng bộ, bảo đảm hoạt động nhịp nhàng, ổn định, giảm tầng nấc, trung gian trong điều hành, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đối với công an các đơn vị, địa phương trên các mặt công tác công an. Thời điểm đó, đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn” của Bộ Công an, làm cho bộ máy tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Cuộc “cách mạng” đó được đánh giá là ngoài việc tiết kiệm chi phí, còn cho phép Bộ Công an chuyên nghiệp hóa các đơn vị công an ở cấp cơ sở thông qua thay thế các cán bộ ít chuyên môn, nghiệp vụ bằng những người được đào tạo tốt hơn từ các đơn vị cấp trên, cơ cấu chỉ huy sẽ trực tiếp và nhanh gọn hơn. Sự nỗ lực của toàn lực lượng trong việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân đã được minh chứng bằng kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính của công an các đơn vị, địa phương ở mức cao so với năm trước đó. Kết quả khảo sát của Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 cho thấy, việc cải cách trong lực lượng Công an nhân dân làm cho chất lượng phục vụ nhân dân được nâng cao, đa số người dân tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.
Người đứng đầu Đảng ta đã thể hiện tầm nhìn, tư duy và hành động khi đi trước đón đầu, quyết liệt xây dựng lực lượng Công an nhân dân hiện đại là một mục tiêu quan trọng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Đặc biệt, tính hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể xây dựng lực lượng Công an “tinh, gọn, mạnh” đến năm 2025 theo định hướng của Đại hội XIII.
Mệnh lệnh chính trị ngày hôm nay của người đứng đầu Đảng ta để đưa đất nước phát triển trong tương lai còn có những dấu ấn đã làm trong quá khứ. Dẫu biết, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
“Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ… Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết” - Đó là yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bộ Công an là đơn vị gương mẫu đi đầu trong tinh gọn tổ chức bộ máy
Đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn
Về phẩm chất, yêu cầu đối với cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện. Có năng lực cụ thể, tổ chức thực hiện, đưa chủ trương chiến lược của Đảng vào thực tiễn từng ban, bộ, ngành, địa phương (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách triệt để thủ tục hành chính…)". Nhận định về các yêu cầu phẩm chất cán bộ được Tổng Bí thư nêu ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khi trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô đã luận giải: “Vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất là yếu tố con người, xây dựng con người, là chất lượng đội ngũ cán bộ. Khi đã đặt đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị vững vàng, thực sự trong sạch, vững mạnh lên trước tiên thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tách đạo đức ra khỏi chuyên môn (đức phải đi liền với tài). Người đòi hỏi phải “hồng thắm, chuyên sâu”, “đức phải có trước tài”, đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước”. Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Và một trong những trọng tâm của Đại hội XIII là tách vấn đề cán bộ ra một khâu, trong Báo cáo xây dựng Đảng còn nói: “Cán bộ là then chốt của then chốt”… Từ tình hình mới của đất nước thì khâu đột phá, mấu chốt vẫn là vấn đề cán bộ”.
Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung
Về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí. Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.
Thực tiễn, “xây dựng con người” - xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống, của toàn ngành, xuống đến tận cơ sở, cơ quan, đơn vị, hướng thẳng vào đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trong bài viết “Xây dựng người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” ngày 14-5-2021, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Tô Lâm) đã nêu rõ: “Công tác xây dựng cán bộ là nhiệm vụ then chốt của then chốt và xác định là khâu đột phá. Xác định xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, nhất là cán bộ cấp chiến lược vững vàng về chính trị, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ”. Sẽ là sai lầm nếu tiến hành một nhiệm vụ quan trọng cấp bách mà lại không giải quyết tốt vấn đề cốt lõi là đổi mới đội ngũ cán bộ. Muốn vậy, phải nắm vững và kiên trì việc đổi mới cán bộ bắt đầu từ quan điểm: “trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung”; “hiểu biết cán bộ để cất nhắc đúng” sẽ đạt tới nghệ thuật “dụng nhân như dụng mộc” theo đúng những quan điểm lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ…; cùng với hàng loạt các định hướng mang tính chiến lược như: cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đẩy mạnh chuyển đổi số; chống lãng phí; phát triển kinh tế… là sẽ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Tinh gọn bộ máy để đưa đất nước tiến lên
Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu tố then chốt đưa Đảng trở thành người cầm lái vĩ đại, người thuyền trưởng tinh anh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hiện nay, khi đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử, bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, người đứng đầu Đảng cho rằng, cần cấp bách thực hiện quyết liệt một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Báo An ninh Thủ đô đã có buổi trò chuyện với GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước để làm rõ hơn về vấn đề này.
Cán bộ là chìa khóa của bộ máy quản lý
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV)
- Phóng viên: Thưa Giáo sư, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” chỉ ra tầm quan trọng và hướng dẫn một số công tác tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ông có nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước
- GS.TS. Hoàng Văn Cường: Công cuộc tinh gọn đổi mới hệ thống chính trị luôn là một trong những nội dung trọng tâm của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Việc này thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Điều này tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định, đồng thời đưa ra những định hướng cụ thể khi nước ta đang bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước hết, chúng ta cần khẳng định các từ khóa: “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Tinh” trong bộ máy quản lý là chỉ những cán bộ hội tụ đầy đủ các tố chất: Trình độ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức. “Gọn”, đối lập với cồng kềnh, là không chồng chéo, bộ máy quản lý cần được sắp xếp gọn gàng, giảm đầu mối trung gian, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Chức năng của cơ quan này không được trùng lặp với cơ quan khác, nhiệm vụ của người này không lặp lại công việc của người kia. Tính từ “mạnh” dùng để khẳng định bộ máy Nhà nước có đủ năng lực, quyền hạn đi kèm là trách nhiệm. Sự kết hợp giữa “tinh” và “gọn” sẽ tạo nên sức “mạnh” cho bộ máy quản lý, sức mạnh cho tổ chức. Từ “mạnh” sẽ dẫn đến “hiệu năng”, là năng suất xử lý công việc, một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của bộ máy quản lý, cán bộ. Từ “hiệu năng” dẫn đến “hiệu lực”, tức mỗi một quyết định của cơ quan quản lý, mỗi một quyết định hành chính, mỗi một phán quyết của người đứng đầu sẽ được đi vào thực tế, không mất thời gian chờ đợi do những vướng mắc từ cơ quan này sang cơ quan khác. Cuối cùng là “hiệu quả”, là kết quả trong công tác phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bắt kịp sự thay đổi của xã hội.
Sau 7 năm thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã có những bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tiên phong là Bộ Công an không còn cấp Tổng cục, nhiều địa phương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Tuy nhiên, nhiều nơi để xảy ra hiện tượng “đánh bùn sang ao”, đẩy chỗ nọ sang chỗ kia.
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã thẳng thắn khẳng định, đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng… Tổng Bí thư cũng đề cập đến 3 công tác trọng tâm cần thực hiện. Thứ nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thứ hai là tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Khái niệm “vừa chạy vừa xếp hàng” có thể hiểu là phải thực hiện nhanh chóng, theo kịp thời kỳ mới nhưng cũng cần trật tự, đúng đường lối để sớm đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
- “Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh” là trọng tâm thứ ba được Tổng Bí thư nhắc đến trong bài viết. Theo Giáo sư, công tác cán bộ có vai trò như thế nào trong bộ máy tinh gọn?
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết cho công tác cán bộ. Người nhấn mạnh: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Lựa chọn được cán bộ tốt, đủ đức, đủ tài, đủ năng lực là chìa khóa của bộ máy tinh gọn. Hay trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ.
Quả thật, sự quyết định thành bại của một đơn vị, của một cơ quan tổ chức bao giờ cũng là những người cán bộ, những người đứng đầu. Nếu như chúng ta làm công tác cán bộ tốt, có một bộ máy tốt thì bộ máy quản lý sẽ vận hành trơn tru, mọi khó khăn sẽ được vượt qua. Nhưng ngược lại nếu như bộ máy không tinh gọn, hiệu quả, con người trong bộ máy ấy không có năng lực, yếu chuyên môn, không chí công vô tư thì dù có lợi thế, thuận lợi bao nhiêu thì cũng rất khó khăn để về đích.
Nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay chúng ta đang sở hữu một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ trong quản lý công quyền mạnh, có tinh thần trách nhiệm, lập trường tư tưởng vững vàng. Đó là những con người tích cực, gương mẫu, tiên phong, vì dân, vì nước. Tuy nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận, thừa nhận những hạn chế trong công tác cán bộ vẫn còn tồn đọng, thậm chí có một số trường hợp bộc lộ những nhức nhối. Trong nhiệm kỳ này, không ít người, thậm chí là cán bộ cấp cao, cấp chiến lược mắc phải những sai phạm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố. Mặc dù chúng ra đã thực hiện rất nhiều vòng để tuyển chọn, sàng lọc, đánh giá, nhưng vẫn để lọt những cá nhân có phẩm chất đạo đức không tốt, không đủ năng lực, trình độ chuyên môn. Điều đó cho thấy, công tác cán bộ vẫn có những lỗ hổng cần phải sớm khắc phục.
Theo tôi, công tác lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch bằng hình thức bỏ phiếu, lấy ý kiến không còn hoàn toàn phù hợp. Điều này vô tình làm xuất hiện một nhóm người cơ hội, chỉ nghĩ cách làm thế nào để lấy được phiếu, lấy được sự bằng lòng của mọi người mà không nghĩ làm thế nào để làm tốt hơn công việc của bản thân. Và thường những người có trình độ, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá lại vô tình vấp phải va chạm, mà đã va chạm thì không thể đủ phiếu để được quy hoạch. Rõ ràng đây là điều mà chúng ta phải xem lại cách thức lựa chọn, tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn.
Sửa đổi cái cũ thành cái mới ưu việt hơn, tiến bộ hơn
- Trong bài viết, Tổng Bí thư đánh giá tinh gọn tổ chức bộ máy là một cuộc cách mạng mới. Vậy cuộc cách mạng này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước, thưa Giáo sư?
- Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là cách mạng. Có thể hiểu cách mạng là một quá trình thay đổi lớn và căn bản trong xã hội, phá bỏ, sửa đổi cái cũ thành cái mới ưu việt hơn, tiến bộ hơn. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, tôi cho rằng nước ta đã trải qua một số cuộc cách mạng lớn, mỗi lần đổi mới về cơ chế là một lần bứt phá phát triển. Đầu tiên là việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, là cú hích mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Áp dụng nghị quyết đã đưa cục diện đất nước phát triển toàn diện, từ một nước thiếu ăn thành một quốc gia xuất khẩu lương thực. Hay quá trình cải cách kinh tế năm 1986, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, đưa nước ta từ hoàn cảnh thiếu thốn hàng hóa, khao khát hàng hóa nước ngoài trở thành một nước xuất khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng ngang bằng hoặc tốt hơn hàng hóa quốc tế. Nó đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng để ta phấn đấu trở thành quốc gia công nghiệp, có thu nhập trung bình cao. Để đạt được những thành tựu, đất nước đều phải trải qua một quá trình đổi mới căn bản, thực hiện một cuộc cách mạng đổi mới cơ chế. Ở giai đoạn hiện nay, chúng ta cần một bước đột phá tương tự, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cuộc cách mạng này sẽ được khởi xướng từ những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước - những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đứng mũi chịu sào vì sự nghiệp chung của đất nước.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Hay nói cách khác, nếu giữ nguyên bộ máy cồng kềnh, chồng chéo như hiện nay sẽ khó để đất nước có một bước chuyển mình. Tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 31-10 vừa qua, Tổng Bí thư cho biết, hiện nay ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Từ những điều trên chúng ta có thể khẳng định, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có vai trò quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của công cuộc phát triển đất nước.
- Thưa Giáo sư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số là một trong những yếu tố then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Vậy nó có tác động đến quá trình tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước không?
- Rõ ràng yếu tố công nghệ đã thay thế rất nhiều công việc thủ công của con người. Nếu như trước đây, chúng ta chưa dùng công nghệ, không áp dụng chuyển đổi số, không áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý thì mất rất nhiều thời gian, công sức, nhân lực… Còn hiện tại, việc xây dựng Chính phủ điện tử đã bước đầu đem lại kết quả khả quan, sử dụng những phương thức quản lý thông minh đã loại bỏ dần những công việc hết sức thủ công, như hoạt động lưu trữ, tính toán số liệu… Áp dụng công nghệ, chuyển đổi số không chỉ giúp giảm bớt nhân lực mà còn đem lại hiệu quả cao hơn. Tôi lấy ví dụ, nếu như trước kia ta muốn ra một quyết định phải chờ rất nhiều nguồn thông tin tổng hợp, thậm chí gặp phải tình trạng thông tin không đủ, thì bây giờ hệ thống thông tin, chương trình quản lý thông minh sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ các dữ liệu cần thiết, nhanh chóng, hỗ trợ con người đưa ra quyết định đảm bảo yếu tố kịp thời. Không những vậy, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý công còn đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch, thông suốt trong quá trình quản lý, khắc phục tình trạng cán bộ tạo ra những khoảng sân riêng, những khoảng sân sau, khoảng mờ nhằm trục lợi. Dưới góc nhìn của người dân, chuyển đổi số giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công. Ví dụ như việc đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thăm khám sức khỏe, mua sắm… đều có thể thực hiện thông qua internet, ứng dụng di động. Doanh nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin, chính sách đầu tư, gửi ý kiến kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền…
Từ những điều trên có thể kết luận rằng, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số có những tác động rất mạnh đến công cuộc tinh gọn bộ máy quản lý. Không những thế, nó còn trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho bộ máy quản lý làm việc hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, nhanh hơn và ở đây người dân, doanh nghiệp là chủ thể được hướng đến phục vụ.
Trần Quân - Đức Văn - Tuấn Dũng
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tu-duy-hanh-dong-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-3-cuoc-cach-mang-tinh-gon-to-chuc-bo-may-de-he-thong-chinh-tri-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-post595309.antd