Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững

Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững
một ngày trướcBài gốc
Các học viên tham gia lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông tổ chức tại thôn Ra Lây, xã Ba Nang vào tháng 8/2024 -Ảnh: T.T
Triển khai thực hiện Dự án 6, trong 2 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đã thực hiện cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu được giao về đối tượng, khu vực thụ hưởng chính sách, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.
Một trong các hoạt động nổi bật của việc triển khai Dự án 6 là các đơn vị, địa phương đã bố trí kinh phí để tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho người dân vùng đồng bào DTTS. Tham gia lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông tổ chức tại thôn Ra Lây, xã Ba Nang vào tháng 8/2024, chị Hồ Thị May, thôn Ra Poong rất vui vì có dịp được gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa- văn nghệ với các anh chị em trong thôn.
“Lâu nay chúng tôi hát các làn điệu dân ca của đồng bào mình, xem các chú, các anh chơi các loại nhạc cụ truyền thống theo lối dân dã, chưa biết cách để trình diễn sao cho truyền tải hết được cái hay, cái đẹp của bài hát, điệu nhạc.
Dịp này được tham gia tập huấn, được các nghệ nhân như Kray Sức, Hồ Văn Hồi, Hồ Văn Màng, Hồ Văn Thiền truyền dạy nhiều kiến thức hay về một số loại hình văn hóa phi vật thể về dân ca, dân vũ của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, nghệ thuật trình diễn dân gian, tôi thấy có thêm hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc mình ”, chị May chia sẻ.
Thông qua các lớp tập huấn, học viên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, tôn vinh những đóng góp và cống hiến của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, lưu truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, phổ biến, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch.
Thực hiện Dự án 6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ tại các địa phương vùng đồng bào DTTS, gồm: xã A Bung, huyện Đakrông, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Hỗ trợ kính phí hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống của xã A Bung, xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Xây dựng nội dung, phát hành 2 phim tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS về hành trình cây lúa nước của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô...
Đối với huyện Hướng Hóa, ngoài các nội dung tập huấn, hỗ trợ, huyện đã xây dựng chuyên mục quảng bá du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc trên Trang Thông tin điện tử của Phòng Văn hóa và Thông tin. Tổ chức in ấn và xuất bản 1 bộ ảnh tư liệu phản ánh về phong tục tập quán, sinh hoạt, lễ hội, xây dựng 2 phim tư liệu về lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều, nhạc cụ của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Địa phương cũng hoàn thành việc kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa dân ca, dân vũ và dân nhạc của các DTTS trên địa bàn huyện, tổ chức phục dựng, tái hiện lễ hội A Da (cúng lúa mới) của đồng bào dân tộc Pa Kô tại xã Lìa.
Trong năm 2024, huyện Đakrông tập trung triển khai bảo tồn điểm đến du lịch thôn Klu và bản làng Cát, xã Đakrông. Huyện Gio Linh hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại 9 thôn thuộc xã Linh Trường với kinh phí 331 triệu đồng...
Việc thực hiện Dự án 6 đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Thông qua các hoạt động, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của các DTTS trong tỉnh có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Nhiều hoạt động về sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống được thực hiện. Việc xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa đã chú ý đến những yêu cầu của thời kỳ mới.
Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa theo hướng chuẩn hóa, trang thiết bị bên trong nhà văn hóa được trang cấp; việc tổ chức và hoạt động bước đầu đã có sự đổi mới, phát huy được hiệu quả. Công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được chú trọng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Huy Hùng cho biết: Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền với phát triển du lịch là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, hiện nay các sở, ngành liên quan đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ triển khai các nội dung của Dự án 6. Qua đó, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương.
Thanh Trúc
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/tu-giam-ngheo-thong-tin-den-giam-ngheo-ben-vung-189675.htm