Từ Hán Việt, từ thuần Việt có thể và không thể

Từ Hán Việt, từ thuần Việt có thể và không thể
2 giờ trướcBài gốc
Xin có đôi lời trao đổi.
Từ “cá nhân” Phan Điển Ánh xếp vào những từ “không thể dùng từ nào khác thay thế được”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong từng trường hợp cụ thể vẫn có thể thay thế. Ví dụ “cá nhân” có thể thay bằng một người/một mình (câu “Lợi ích cá nhân không thể đặt trên lợi ích tập thể” = Lợi ích của một người không thể đặt trên lợi ích của nhiều người; hoặc: Cá nhân tôi không thể quyết định = Một mình tôi không thể quyết định; hay “Trong phòng kê chiếc giường cá nhân” = Trong phòng kê chiếc giường một... Những tổ hợp thay thế từ “cá nhân” đều được xem là “thuần Việt” và có ý nghĩa tương đương, không hề khiên cưỡng.
Với những từ Hán Việt mà Phan Điển Ánh đề xuất có thể thay thế bằng “từ thuần Việt” cũng không hợp lý, cho dù tác giả lưu ý: “những từ cần thay đi và những từ cần thế vào không hoàn toàn tương đương ở mọi trường hợp”. Hơn nữa, một khi đã không thể thay thế hẳn từ Hán Việt bằng từ thuần Việt trong “mọi trường hợp” đó, thì đặt ra vấn đề “thay thế” làm gì cho thêm rắc rối?.
Ví dụ:
- Từ “quan sát” không thể thay bằng “xem xét”, mặc dù khi giải nghĩa từng yếu tố, quan có nghĩa là xem, sát có nghĩa là xét. Nhưng trong thực tế, từ “quan sát” được hiểu là cách nhìn mang tính đại thể, tổng quát, nhìn từ xa, để thấy được, nắm được tình hình hoạt động hay tình trạng (thường là bề ngoài) của một sự vật, hiện tượng nào đó; trong khi “xem xét” lại có nghĩa tìm hiểu, xét đoán một cách cặn kẽ, thấu đáo sự việc, bản chất vấn đề nào đó (không đơn thuần là bề ngoài) để rút ra nhận xét, kết luận cần thiết. Ví dụ, ta không thể thay thế từ “quan sát” trong “Đài quan sát” = “Đài xem xét”, hoặc “Địch quan sát thấy mục tiêu...” = “Địch xem xét thấy mục tiêu...”. Ngược lại, ta không thể thay “Tòa xem xét đơn kêu oan...” = “Tòa quan sát đơn kêu oan...”. Như vậy, “quan sát” và “xem xét” không phải là hai từ có nghĩa tương đương, không thể hoán đổi vị trí cho nhau trong mọi trường hợp.
- Từ “khiếm thị” không thể thay thế bằng “kém mắt” như Phan Điển Ánh khẳng định. Bởi “khiếm” 欠 đây có nghĩa là khuyết, thiếu (trong từ khiếm khuyết), “thị” 視, có nghĩa là nhìn, sự cảm nhận của con mắt đối với sự vật (trong từ thị giác, thị lực). Từ “khiếm thị” 欠視 thường chỉ những người dị tật bẩm sinh, không có khả năng nhìn thấy. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, từ “khiếm thị” không thể thay thế bằng từ “kém mắt” (hay mắt kém) với nghĩa thị lực kém, hoặc mắt không nhìn thấy rõ lắm, do tuổi già hoặc bệnh tật, chứ không phải là mù hoàn toàn. Theo đây, từ “khiếm thị” có thể thay thế bằng một từ khác, đó là mù (chỉ chung những người không có, hoặc không còn khả năng nhìn thấy, do dị tật bẩm sinh, do tai nạn hoặc lão hóa). Tuy nhiên, cần lưu ý, người ta có thể gọi người khiếm thị là mù, nhưng không phải người mù nào cũng có thể gọi là khiếm thị.
- Từ “phát biểu” không thể thay thế bằng từ “nói” trong mọi trường hợp như Phan Điển Ánh đề xuất. Bởi vì, “phát biểu” thường chỉ ý kiến của người nào đó trước một tập thể, hội nghị, buổi tọa đàm hay cuộc họp, nhằm khẳng định, bày tỏ quan điểm chính thức của mình. Trong khi từ “nói” thiên về nghĩa giao tiếp thường ngày nói chung. Sẽ là khiên cưỡng nếu thay thế từ “phát biểu” trong câu: “Phát biểu ý kiến trước Quốc hội” = “Nói ý kiến trước Quốc hội”.
Ngoài ra, còn rất nhiều từ, cụm từ Phan Điển Ánh đề xuất thay thế bằng từ, cụm từ “thuần” Việt khác, cũng chưa hợp lý. Ví dụ “người và phương tiện” không thể thay thế bằng “người và xe”, vì phương tiện không nhất thiết phải hiểu là xe, mà có thể là tàu thuyền, ngư cụ hoạt động trên sông biển. Hoặc “người tham gia giao thông” không thể thay thế bằng “người đi đường”, bởi “người đi đường” có khi không bao hàm ý nghĩa “tham gia giao thông”, ví dụ người đi đường một mình, đi bộ trên đường đê, đường mòn vắng vẻ. Trong khi đó, “người tham gia giao thông” được hiểu là đi trên đường có nhiều người và phương tiện giao thông khác, chịu sự ảnh hưởng, tác động qua lại. Hoặc từ “giải thích” không thể thay bằng “phân bua”, vì “phân bua” không chỉ có nghĩa giải thích, mà còn bao hàm ý thanh minh cho một hành động, việc làm hay sự hiểu lầm nào đó (đồng nghĩa phân trần”). Mặt khác, không có cơ sở nào để khẳng định từ “phân bua” là “từ thuần Việt”, bởi vì trong đó, “phân” là yếu tố gốc Hán có nghĩa là bày tỏ, tách bạch (trong phân trần, phân giải, phân định...).
Cần thấy rằng, mục đích của việc thay thế “từ Hán Việt” bằng “từ thuần Việt” (hoặc đã được Việt hóa) là để nói và viết hay hơn, chính xác, dễ hiểu và đại chúng hơn... chứ không phải với mục đích loại bỏ từ Hán Việt (điều này là không tưởng). Ví dụ thay thế những từ khó hiểu, tạo hiệu quả rõ rệt trong mọi trường hợp như: thu ngân nên thay bằng thu tiền; phân ưu nên thay bằng chia buồn...
Không có lý do gì bỗng dưng cố tìm từ “thuần Việt” để thay thế cho “từ Hán Việt”, ngay cả khi không cần thiết, hoặc khiên cưỡng. Thậm chí thay thế cả những từ đã được Việt hóa, phổ thông và không có nghĩa tương đương trong mọi trường hợp, như: “cường điệu = thổi phồng; vĩ đại = to lớn; thiếu nhi/nhi đồng = trẻ em/trẻ nhỏ; giải thích = phân bua; chưa chính xác = chưa đúng”... như cách đề xuất của Phan Điển Ánh. Trong khi đó, những từ thay thế không hay hơn, không ngắn gọn hoặc dễ hiểu hơn, thậm chí trở nên ngô nghê, thiếu chính xác.
Mẫn Nông (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/tu-han-viet-tu-thuan-viet-co-the-va-khong-the-33105.htm