Giác ngộ cách mạng, tự nguyện tham gia bộ đội địa phương khi chỉ mới 15 tuổi, cựu chiến binh Đỗ Văn Nho là 1 trong 80 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 31 từng hoạt động, tham gia chiến đấu giải phóng Lộc Ninh.
Nhớ về nhưng ngày tháng Tư lịch sử, ông Đỗ Văn Nho ở ấp 7, xã Lộc An cho hay: Lúc bấy giờ tham gia chiến đấu không nghĩ đến ngày trở về, tương quan về lực lượng giữa 2 bên rất lớn, quân địch rất mạnh, dưới đất có xe tăng, trên trời thì máy bay, khí tài hiện đại gấp nhiều lần quân ta, chỉ có ý chí quyết tâm, không quản ngại hy sinh, gian khổ mới làm nên chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh.
Cựu chiến binh Đỗ Văn Nho là 1 trong 80 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 31 từng tham gia chiến đấu giải phóng Lộc Ninh
Thuộc đơn vị hậu cần, không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng ông Nguyễn Xuân Nghiêm cùng các đồng đội ở Đoàn 86, Cục Hậu cần miền B2 thường xuyên đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, kể cả hy sinh xương máu để đảm bảo quân nhu phục vụ chiến trường.
Ông Nguyễn Xuân Nghiêm ở khu phố Ninh Phú, thị trấn Lộc Ninh, chia sẻ: Địch bố trí nhiều lực lượng với phi pháo, đặt biệt là biệt kích ở chi khu Bù Đốp để ngăn chặn đường tiếp tế của quân ta. Anh em trong đơn vị vận chuyển quân nhu hàng hóa vẫn phải sẵn sàng chiến đấu, bất chấp hy sinh xương máu để hoạt động tiếp tế không bị đứt gãy. Sau khi giải phóng, tình hình mới dần ổn định, nhân dân bắt đầu tập trung cho lao động sản xuất. Đời sống người dân đến thời điểm hiện nay được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang hiện đại, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức giải phóng Lộc Ninh.
Các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng lộc Ninh luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương
Hội Cựu chiến binh huyện Lộc Ninh hiện có 3.000 hội viên, trong đó có khoảng100 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu giải phóng Lộc Ninh. 53 năm sau ngày giải phóng, những người lính Cụ Hồ năm xưa càng phấn khởi, tự hào hơn khi được chứng kiên sự phát triển, những đổi thay từng ngày trên mảnh đất quê hương.
Ông Lê Hoàng Yến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lộc Ninh cho biết: Hầu hết các cựu chiến binh tham gia giải phóng Lộc Ninh đến nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút do mắc nhiều bệnh lý nhưng điểm chung ở những người lính Cụ Hồ năm xưa là tính tiên phong, gương mẫu, luôn nỗ lực cố gắng trong công tác, lao động sản xuất với mong muốn cống hiến cho công cuộc xây dựng, phát triển huyện nhà.
Lộc Ninh đang đổi thay từng ngày. Ảnh một góc thị trấn Lộc Ninh hôm nay
Trải qua 53 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 của huyện Lộc Ninh là 12,85%; thu nhập bình quân đầu người đạt 98,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Với những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, toàn huyện có 6 xã, thị trấn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Ảnh các sản phẩm OCOP của Lộc Ninh
Hoạt động về nguồn của các cựu nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh
Giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972 làm nức lòng quân và dân cả nước, là minh chứng rõ nét về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự khẳng định về truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân Lộc Ninh trong sự nghiệp cách mạng. Truyền thống lịch sử vẻ vang đó mãi là niềm tự hào, là ánh sáng soi đường để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lộc Ninh ra sức thi đua xây dựng huyện nhà phát triển ngày càng giàu đẹp.
Trần Cảnh - Trung Quang