Tự hào khi được sống trong thời bình của những người sinh năm 1975

Tự hào khi được sống trong thời bình của những người sinh năm 1975
16 giờ trướcBài gốc
Ông Quý mở công ty, tạo việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn - Ảnh: T.P
Tôi gặp anh Trần Cao Quý hiện là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 94A, tại Khu phố 3, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. May mắn được sinh ra khi thời điểm đất nước vừa sạch bóng giặc thù, hơn ai hết, anh luôn trân quý từng phút giây được sống trong hòa bình.
Anh Quý cho biết: “Quê tôi ở thôn An Thái, xã Cam Tuyền. Hòa bình lập lại, dù không còn bom rơi, đạn nổ song người dân chúng tôi vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc bị tàn phá. Nguồn thu nhập duy nhất chủ yếu dựa vào làm ruộng. Hằng ngày, ngoài giờ học, anh em tôi đi làm cỏ, cấy lúa thuê để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần ba mẹ.
Lúc bấy giờ, đường toàn là đất đỏ, hôm nào nắng thì bụi mịt mù nhuộm đỏ cả áo quần đầu tóc, hôm nào mưa thì toàn bùn sình. Nhưng chúng tôi vẫn cố đến lớp để tròn con chữ, vẫn vững cái ý chí thành tài mà làm giàu cho quê hương đất nước”.
Là thế hệ trưởng thành song hành với sự thay da đổi thịt của đất nước, chứng kiến từng viên gạch đầu tiên đắp xây cuộc sống mới, trong trái tim của người giám đốc ấy luôn mang theo niềm tự hào cùng với khao khát cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Tốt nghiệp ngành xây dựng, ông chọn trở về quê hương lập nghiệp sau nhiều năm bôn ba tích lũy kinh nghiệm. Công ty TNHH Xây dựng 94A được thành lập từ năm 2009, hiện đang phụ trách các công trình dân dụng và công nghiệp, giao thông, cầu đường, thủy lợi trong và ngoài tỉnh. Công ty của anh Quý tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động là người địa phương với mức thu nhập từ 8-15 triệu/tháng/người.
Chiêm nghiệm lại quãng thời gian đã qua, anh Quý cho hay: “Tròn 50 năm trôi qua với biết bao đổi thay, từ một miền quê nghèo mỗi bữa ăn của người dân chỉ toàn ăn khoai với sắn, đến nay, quê hương chúng tôi đã trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống của người dân được nâng cao không ngừng. Tôi tự hào vì mình có thể đóng góp một phần dù là nhỏ bé, cùng với thế hệ các đồng niên 1975 phát triển, đưa quê hương Cam Lộ vươn xa”.
Trung tá Hồ Việt Hưng luôn nhắc nhở thế hệ sau nỗ lực học tập để xây dựng quê hương - Ảnh: T.P
Trung tá Hồ Việt Hưng, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Nền tảng gia đình vững chắc với ông nội là liệt sĩ anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cha là sĩ quan quân đội kiên trung và mẹ là nhà giáo tận tâm, đã hun đúc trong ông tinh thần yêu nước và ý chí cống hiến.
May mắn sinh ra trong thời điểm đất nước hoàn toàn giải phóng, trung tá Hưng luôn khắc ghi lời dạy của gia đình, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện với một tâm niệm sâu sắc mai sau sẽ dùng kiến thức và sức lực của mình để phục vụ quê hương.
“Cuộc sống thời đó rất khó khăn, vì đất nước vừa mới thống nhất, bắt đầu xây dựng lại mọi thứ. Nhiều bạn bè tôi vì hoàn cảnh gia đình nên việc học dang dở, còn những ai có điều kiện hơn một chút đều cố gắng học. Có lẽ vì lớn lên trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, đó là động lực để thôi thúc tôi cố gắng học, không bỏ cuộc, để thay đổi cuộc sống ở tương lai tốt hơn”, trung tá Hưng chia sẻ.
Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có nhiệm vụ đi đầu trong xây dựng các công trình chiến đấu, công trình phục vụ, đảm bảo an toàn cho các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, khách quốc tế, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi có chiến tranh xảy ra.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm là rà phá bom mìn, đảm bảo sự bình yên cho Nhân dân. Hơn 25 năm công tác tại đây, trung tá Hưng cùng đồng đội đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trong 8 năm làm trưởng ban, dưới dự chỉ huy của trung tá Hưng, Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp nhận hơn 3.000 tin báo về bom, đạn các loại; xử lý an toàn 4.500 vật liệu nổ, trong đó có hơn 50 quả bom hạng nặng, 3 quả bom từ trường, 4 quả bom hẹn giờ...
Những năm qua, dùliên tục nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ lãnh đạo các cấp đối trong công tác cá nhân và tập thể nhưng với trung tá Hưng, những điều này không thể so sánh với sự hy sinh, đánh đổi máu xương của các thế hệ đi trước.
Tự hào kể với chúng tôi về cậu con trai út có ước mơ nối nghiệp cha công tác trong quân đội, trung tá Hưng chia sẻ thêm: “Tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu mình rằng, cái giá của hòa bình hôm nay thực sự rất đắt. Vì thế, khi còn cơ hội, hãy luôn học tập, khắc ghi lịch sử. Hiểu lịch sử rồi, con người mới có động lực để tiếp tục phấn đấu, xây dựng tương lai quêhương tốt đẹp hơn”.
Bà Thanh tự hào vì được sống trong hòa bình - Ảnh: T.P
Bước sang tuổi ngũ tuần, ký ức về những năm tháng gian khósau ngày đất nước thống nhất vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà Hồ Thị Hải Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ. Với bà, những nhọc nhằn, vất vả mà gia đình và những người dân nơi đây đãtrải qua thật khó diễn tả hết bằng lời. Đólàthời kỳ không có điện, đốt đèn dầu, ăn cơm độn khoai mì, khoai lang...
“Tôi không bao giờ quên hình ảnh ba và các chú lặn lội đào bới từng mảnh vỏ bom còn sót lại giữa cái nắng chói chang và những cơn gióLào rát bỏng; hình ảnh mẹ và anh em chúng tôi cắt tranh giữa những đồi tranh khô cằn sỏi đá, cắt rơm rạ để lợp mái, dựng nhà vách đất; những bữa cơm đạm bạc chỉ đủ no lòng.
50 năm đã trôi qua, những gì chúng ta có được hôm nay là điều mà người dân thời ấy chưa từng dám mơ ước. Chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày, khi điện, đường, trường, trạm phát triển vượt bậc, tôi càng thêm xúc động và tự hào về sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đi trước; về sự cống hiến của các thế hệ sau này, trong đó có cả chúng tôi, để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh”, bà Thanh chia sẻ.
Luôn tâm niệm bản thân cần phải làm gì đó để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, bà Thanh đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong mọi hoạt động.
Những năm qua, bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, bà Thanh còn đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng trong giáo viên và học sinh của mình thông qua các hoạt động thiết thực như: sinh hoạt truyền thống “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, “Hát quốc ca tại địa chỉ đỏ”, “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về nguồn, mừng non sông thống nhất”... tổ chức các hoạt động tập thể, ngoại khóa nhân dịp 30/4; chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thành Cổ Quảng Trị; tổ chức chuyến thăm về nguồn, địa chỉ đỏ...
Qua đó, góp phần khắc sâu tình yêu quê hương, đất nước cho các em học sinh. “Sinh ra trong thời bình, tôi có cơ hội được học tập, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, được nhìn thấy những mầm non tương lai của đất nước lớn lên từng ngày trong môi trường hòa bình và đầy đủ. Được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của học sinh, tôi lại càng thêm trân quý cuộc sống hòa bình này. Đó là món quà vô giá mà lịch sử đã trao tặng mà tôi và tất cả chúng ta hôm nay có trách nhiệm phải giữ gìn và phát huy.
Tin chắc rằng, niềm tự hào khi được sinh ra trong thời bình không chỉ là cảm xúc của riêng tôi mà còn là động lực để mỗi chúng ta sống có ý nghĩa hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phồn vinh của đất nước”, bà Thanh cho hay.
Được biết, trong thời gian tới, cùng với thi đua dạy tốt, học tốt, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ sẽ duy trì, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử để các thế hệ học sinh thêm trân trọng giá trị của hòa bình.
Trúc Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/tu-hao-khi-duoc-song-trong-thoi-binh-cua-nhung-nguoi-sinh-nam-1975-193379.htm