Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) - tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập gồm 34 chiến sĩ, trong đó 25 chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đội quân cách mạng non trẻ đó ngay sau khi thành lập đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu trang sử truyền thống vẻ vang “bách chiến, bách thắng” của quân đội ta.
Kỳ 1: Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra
Cao Bằng tự hào được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cũng rất tự hào có khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập ĐVNTTGPQ - Tiền thân của QĐND Việt Nam, có 25 người con ưu tú tham gia đội quân cách mạng ngày đầu thành lập, góp phần làm nên truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Những hạt giống của lực lượng vũ trang cách mạng
Chỉ hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là xã Hoàng Tung, huyện Hòa An). Tháng 1/1941, trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập với lời căn dặn “cố gắng học thêm quân sự”. Do tình hình biến đổi mau lẹ, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng được lệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước để tổ chức, huấn luyện lực lượng và chuẩn bị các điều kiện cho việc xây dựng căn cứ địa Cao Bằng.
Tại Cao Bằng, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội cứu quốc. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập; chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt.
Sau hội nghị, việc xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) được triển khai khẩn trương, những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu. Từ năm 1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng bộ càng quan tâm xây dựng LLVT, từ năm 1941 - 1944, cử 200 thanh niên Cao Bằng sang học các lớp quân sự tại Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc). Cùng với tổ chức lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh: T.L
Tháng 11/1941, Tỉnh ủy thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên mang tên Đội du kích Pác Bó gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu tuyên truyền thực hiện công tác đặc biệt...
Trong khi phong trào huấn luyện tự vệ trở nên rầm rộ khắp nơi, nhu cầu trang bị vũ khí của các đội càng trở nên quan trọng và cấp bách, tháng 3/1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chọn căn cứ Lam Sơn (Hòa An) để thành lập binh công xưởng do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) Bí thư Liên Tỉnh ủy chỉ đạo để sửa chữa, sản xuất vũ khí trang bị cho các đội tự vệ. Cuối tháng 11/1943, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Ban xung phong Nam tiến từ Cao Bằng đã kết nối liên lạc được với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Sau đó, từ cơ sở cách mạng ở Chợ Chu (Thái Nguyên) thiết lập được đường dây liên lạc với Trung ương ở miền xuôi; phong trào cách mạng ở Việt Bắc được gắn liền với phong trào cả nước.
Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Đến giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng, các tổ chức Việt Minh phát triển mạnh mẽ.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập nơi rừng thiêng
Tháng 10/1944, sau khi nghe báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt về quyết định khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”... Để thực hiện phương châm hoạt động mới, lãnh tụ Hồ Chí Minh giao đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lo việc tổ chức ra “Đội quân giải phóng” - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn khu rừng nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình tổ chức lễ thành lập Đội.
Ngày 22/12/1944, ĐVNTTGPQ được thành lập. Đội gồm 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức và chỉ huy.
Ông Dương Mạc Thăng, nay đã bước sang tuổi 80, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, là con trai lão thành cách mạng Dương Mạc Thạch, Chính trị viên ĐVNTTGPQ chia sẻ: Khi Bác Giáp từ miền xuôi lên Cao Bằng hoạt động đã được bố của tôi đưa vào vùng Nguyên Bình để phát triển phong trào cách mạng. Bác Giáp ở nhà tôi thời gian từ năm 1941 - 1942. Bác Giáp sống rất bình dị, gần gũi, chan hòa với bà con, hai ông còn kết nghĩa anh em với nhau. Đến khi lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập ĐVNTTGPQ, bác Giáp là người thay mặt Trung ương Đảng thành lập và lựa chọn con người, lựa chọn cán bộ chỉ huy. Có lẽ, do bác Giáp khá hiểu cụ thân sinh của tôi nên đã chọn tham gia và giao làm Chính trị viên của Đội. Những ngày đầu, Đội khó khăn về tài chính để mua lương thực, vũ khí, đạn dược, dù gia đình khi đó khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng bố tôi bàn với gia đình gom góp, ủng hộ Đội 500 đồng - một khoản tiền lớn thời bấy giờ.
ĐVNTTGPQ ra đời, đánh dấu sự phát triển mới của LLVT cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện 3 hình thức tổ chức của LLVT nhân dân: ĐVNTTGPQ - đội quân chủ lực; các đội vũ trang ở châu; các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã.
Lão thành cách mạng Bàn Thị Chủ (bí danh Kim Sơn) người Dao Tiền, xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (trước kia bà ở xóm Pù Mìn, xã Tam Kim, Nguyên Bình) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi và là nhân chứng sống chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước cho biết: Được chứng kiến Lễ thành lập ĐVNTTGPQ là niềm tự hào và vinh dự lớn lao đối với riêng bản thân tôi và bà con trong xã, bởi sự kiện đó đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử QĐND Việt Nam. Sau lễ thành lập, tôi cùng bà con chuẩn bị bữa cơm cho đội quân và cùng nhau ăn bữa cơm không rau, không muối biểu thị tinh thần đoàn kết quân dân chịu đựng gian khổ để chiến thắng quân thù của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh công bố và trao quyết định kết nạp đảng cho 80 đảng viên mới.
Ngay sau lễ thành lập, ĐVNTTGPQ đã xuất quân thực hiện chỉ thị: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi” của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi bàn bạc các phương án kỹ lưỡng, Ban Chỉ huy Đội quyết định phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Vào lúc 17 giờ ngày 25/12/1944, Trung đội trưởng Thu Sơn dẫn hai tiểu đội đến đồn Phai Khắt, trình giấy cho lính gác và tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Địch bị bất ngờ, trở tay không kịp, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Si-mô-nô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu 17 khẩu súng, một số đạn và quân trang.
Sau khi hạ đồn Phai Khắt, 3 giờ ngày 26/12/1944, Đội khẩn trương hành quân tới đồn Nà Ngần (cách đồn Phai Khắt 15 km). Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải 3 “cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Đúng 7 giờ ngày 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong cầm cờ tam tài dẫn 3 “cộng sản Mán” vào đồn. Quân Pháp bị mắc mưu, ta nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu nhiều chiến lợi phẩm. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, 20 phút sau ta đã rút khỏi đồn địch.
Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam. Trong cả 2 trận đánh, ĐVNTTGPQ đều sử dụng chiến thuật hóa trang tập kích. Chiến thuật đó kết hợp với yếu tố bất ngờ, bí mật, nhanh gọn khiến cho địch không kịp trở tay.
Sự kiện ĐVNTTGPQ - Đội quân chủ lực đầu tiên của LLVT cách mạng Việt Nam, tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, cũng như sự có mặt của 25 con em ưu tú các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội và rất nhiều người con ưu tú khác của quê hương Cao Bằng, dù không trực tiếp tham gia nhưng đã góp công không nhỏ trong xây dựng cơ sở cách mạng, hỗ trợ hậu cần, góp phần quan trọng cho đội quân non trẻ ra đời phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Kỳ 2: Những chiến công đầu tiên của đội quân cách mạng và chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhóm phóng viên