Các loại radar hiện đại được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Minh Nguyễn
Xuất hiện trong khuôn viên triển lãm, các thiết bị không người lái (UAV) do Việt Nam sản xuất đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem bởi sự phong phú về chủng loại (UAV chiến đấu, trinh sát, đa năng, cứu hộ, cứu nạn) với những tính năng hiện đại, vượt trội. Điển hình là máy bay không người lái M400-CT2 do Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sản xuất sử dụng làm mục tiêu bay cho khí tài tên lửa phòng không tầm trung và tầm gần, là mục tiêu bay chặn kích cho các loại máy bay chiến đấu, được thiết kế mang nhiều loại tải có ích phục vụ công tác huấn luyện, bắn đạn thật và các hoạt động quân sự khác. Thời gian hoạt động của máy bay này lên tới 120 phút, cự ly hoạt động lên tới 60km.
Một trong những đột phá về công nghệ là sản phẩm UAV đa năng do Viettel sáng tạo với khả năng hoạt động ở cự ly lớn trong mọi điều kiện thời tiết và mang được nhiều loại khí tài tấn công và trinh sát tầm xa. Còn máy bay không người lái RAV-80 có thể cất, hạ cánh thẳng đứng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quốc phòng-an ninh (trinh sát, hỗ trợ chiến đấu, mục tiêu bay), dân sự và công nghiệp (khảo sát lập bản đồ, giám sát cơ sở hạ tầng) và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thiết bị này có thời gian hoạt động lên tới 150 phút, cự ly hoạt động 80km. Một sản phẩm khác là UAV chiến đấu cấp chiến thuật VU-C2 dùng để tấn công mục tiêu trên đất liền như lực lượng bộ binh mặt đất với xe cơ giới hạng nhẹ trong điều kiện ban ngày. Thời gian bay liên tục của VU-C2 là 40 phút với tốc độ hành trình 120km/giờ.
Cũng tại triển lãm, lần đầu tiên, Việt Nam đã cho ra mắt tổ hợp phòng thủ bờ biển mang tên gọi Trường Sơn (VCS-01) với 2 thành phần chính là đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng (VSM-01A) và xe phóng tự hành VLV-01. Hệ thống tên lửa Trường Sơn giúp tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của Việt Nam và cũng khẳng định khả năng tự lực, tự cường trong nền quốc phòng của Việt Nam.
Ngoài ra, tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT do Việt Nam nghiên cứu, cải tiến cũng gây ấn tượng mạnh tới khách tham quan triển lãm. Tổ hợp S-125-VT được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện tấn công đường không, tiêu diệt có hiệu quả các mục tiêu bay thấp, mục tiêu có kích thước nhỏ, ngay cả trong điều kiện nhiễu phức tạp. Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa này còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước, hoạt động độc lập hoặc trong đội hình cụm phòng không. Tổ hợp có khả năng phá hủy mục tiêu trên mặt đất và mặt nước, hoạt động chiến đấu độc lập hoặc trong đội hình cụm phòng không.
Cả hai tổ hợp tên lửa nói trên đều do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất thành công. Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Giám đốc Tập đoàn Viettel, có 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, trong đó, nhiều loại đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công, sẵn sàng sản xuất để đưa vào trang bị cho Quân đội. Các sản phẩm được đánh giá có mức độ tương đương hoặc vượt trội so với sản phẩm tương tự của các nước tiên tiến trên thế giới, phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội ta, có tính bảo mật cao, tự chủ trong sản xuất, công tác hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, giảm sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự-quốc phòng. Đồng thời, Viettel làm chủ hoàn toàn các thiết bị hạ tầng viễn thông từ mạng truy nhập, truyền dẫn, mạng lõi, mạng ứng dụng, bên cạnh đó, nghiên cứu thành công chip 5G, đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng phát triển nhiều loại khí tài hiện đại khác như xe chiến đấu bộ binh, robot chiến đấu, sản phẩm nghi binh, nghi trang. Một trong những sản phẩm được giới thiệu tại triển lãm lần này là xe chiến đấu bộ binh XCB-01, do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chủ động nghiên cứu, thiết kế và các nhà máy trong toàn quân chế tạo, sản xuất. Sản phẩm đã được thử nghiệm, được đánh giá chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại trên thế giới. Các loại khí tài khắc chế UAV của đối phương cũng được giới thiệu tại triển lãm như radar để phát hiện được UAV xâm nhập; hệ thống chế áp UAV bằng điện tử...
Hệ thống tên lửa S-125-VT do Tập đoàn Viettel sản xuất thu hút rất nhiều khách tham quan. Ảnh: An Nhiên
Theo Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, hiện, nền công nghiệp quốc phòng đã sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược để trang bị cho các quân, binh chủng. Đặc biệt, ngành đã làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, vũ khí công nghệ cao, vũ khí bộ binh thế hệ mới mà không có nhiều nước trên thế giới làm chủ được; đóng mới các tàu quân sự hiện đại như: Tàu tên lửa, các tàu tuần tra, tàu cứu hộ, tàu ngầm...; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, kể cả các loại hiện đại.
Đồng thời, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ nền, công nghệ lõi, chủ động sản xuất nhiều chủng loại vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị, góp phần nâng cao khả năng tự chủ bảo đảm vật tư trong nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu. Qua đó, việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội đã chuyển dần từ mua sắm, lắp ráp là chính sang làm chủ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại. Nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất, sửa chữa có tính năng tương đương với các nước tiên tiến, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và các lực lượng thực thi pháp luật.
Có thể thấy, hiện nay, năng lực của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại trên các lĩnh vực, ngành nghề. Những thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng đã và đang có những đóng góp quan trọng, hiệu quả trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
An Nhiên