Tự hào Thủ đô thiết kế của thế giới

Tự hào Thủ đô thiết kế của thế giới
15 giờ trướcBài gốc
Xứng danh Thành phố Sáng tạo
Nhìn lại chặng đường 5 năm kể từ khi Hà Nội gia nhập UCCN, có thể thấy những nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và khát vọng của nhiều đơn vị, cá nhân vì mục tiêu ươm mầm sáng tạo. Đó là cơ sở để thành phố tự tin đưa khát vọng đổi mới bay xa trong hành trình sáng tạo của Thành phố Sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, sau 5 năm thực hiện các sáng kiến về thiết kế sáng tạo trong chương trình phát triển văn hóa- kinh tế- xã hội, đến nay, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, tập trung vào 2 nhóm việc chính: Ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện; tổ chức các hoạt động cụ thể thực hiện sáng kiến, cam kết. Nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo được tổ chức.
Dấu ấn đậm nét trong nỗ lực đổi mới sáng tạo được thể hiện rõ qua "Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội". Năm 2023, với việc tổ chức thành công Lễ hội thiết kế sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cùng hơn 60 sự kiện bên lề, thu hút hơn 200.000 lượt người dân và du khách tham gia.
Tiếp nối thành công của năm 2023, "Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024" đã tạo sức hút lớn với người dân và du khách. Nhiều công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người trải nghiệm mỗi ngày. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 hướng đến mục đích không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Với hơn 110 hoạt động chính cùng các chương trình cộng hưởng được tổ chức trong suốt thời gian Lễ hội, sự kiện được đông đảo người dân, cộng đồng sáng tạo, khách tham quan trong và ngoài nước đánh giá cao. Lễ hội được ví như "bữa tiệc" đa sắc màu, trở thành nơi giao thoa, kết nối các nhà thực hành sáng tạo, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, các chuyên gia và cộng đồng.
Sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đón hơn 30 vạn lượt khách đến tham gia; trong đó những ngày cuối tuần, Lễ hội đón gần 60.000 người/ngày. Nhân dân và du khách kiên nhẫn xếp hàng, háo hức chờ tham quan. "Giá trị ý nghĩa nhất mà Lễ hội mang lại là hình thành nhận thức mới cho người dân về sáng tạo cũng như về văn hóa, lịch sử, kiến trúc thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác với di sản, tham gia các hoạt động cộng đồng", ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Giữ gìn di sản hình ảnh như là "chân dung" của Hà Nội
Hà Nội đang kiên định từng bước hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới. Để hiện thực hóa khát vọng này, thời gian tới, Thủ đô cần chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về phát triển thương hiệu Thành phố Sáng tạo. Làm sao để mỗi người dân phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới…
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Hà Nội cần tăng cường xây dựng các chương trình giao lưu, kết nối với các thành phố sáng tạo trong khu vực và quốc tế; chủ động tham gia hoạt động của các thành viên UCCN…
Là người đã có quá trình nghiên cứu sâu, rộng và lâu dài về di sản kiến trúc Hà Nội cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc bảo tồn, trùng tu nhiều công trình, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng nét văn hóa tinh thần nổi trội ở Hà Nội là văn hóa phố phường, chứa đựng rất nhiều đặc sắc, điển hình của Hà Nội và hiện đang tàn phai nhiều. Điều trăn trở là làm sao để nhận ra, duy trì được những nét văn hóa đó trong thế tương quan phát triển đối nghịch như hiện nay.
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, hơn 1.000 năm trước, đức vua Lý Thái Tổ hạ Chiếu dời đô, đứng trước nhiều tham vọng và những trăn trở. Hơn 1.000 năm sau, thế hệ chúng ta quyết chí xây dựng Thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm, gấp nghìn lần. Tham vọng và trăn trở cũng vì thế tăng lên bội phần. Hà Nội, đi vào thiên niên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn và tư duy thực tế.
Hà Nội đã mở rộng ra 3.340km theo bề rộng. Song, Hà Nội cũ, để thành nhân tố trung tâm, phải được chủ trương phát triển kết hợp cải tạo với hiện đại hóa. Nếu ngược lại, nhân tố trung tâm có thể trở thành thực thể kiến trúc và lịch sử "thiểu năng". Sự lan tỏa từ cái nhân đô thị ấy (nếu) được củng cố và nâng cao, sẽ quyết định tương lai kiến trúc đô thị của Thủ đô. Không một cấu trúc đô thị nào khác có thể thay thế nó. Hà Nội hôm nay, từ cách nhìn nào đó, đang là một "bảo tàng" kiến trúc đô thị và văn hóa đô thị. Đặc trưng cho thời kỳ cận đại, đặc trưng cho sự quá độ kéo dài trong phát triển xã hội, với những khác biệt có xuất xứ Á Đông và từ những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, nói một cách tổng quát, con đường tự nhiên cho phát triển Hà Nội là sự kết hợp bảo tồn và duy trì, cải tạo và hiện đại hóa. Chỉ như vậy, Hà Nội mới có thể vừa hội nhập quốc tế trong phát triển, vừa lưu giữ và tô đậm nên sự đặc sắc vốn có của mình. Trong cuộc cạnh tranh giữa các đô thị, di sản và bản sắc cũng là những nhân tố đắc lực.
"Trong bối cảnh phát triển ồ ạt và hội nhập quốc tế, lo lắng nhất của tôi lúc này là làm sao kế thừa được tài nguyên di sản văn hóa đô thị của Hà Nội? Di sản đó bao gồm hai thành phần: Thành phần di sản kiến trúc đô thị mang tính tinh hoa, cốt lõi "chân dung" của Hà Nội, và thành phần văn hóa tinh thần thị thành (phố phường) cổ truyền có được bảo tồn và phát triển tiếp nối hay không?", GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.
Di sản kiến trúc cũ của Hà Nội rất đặc sắc, rất tinh tế, nhưng rất mỏng manh, và lại rất khó để bảo tồn và phát triển tiếp nối trong sự phát triển ồ ạt như hôm nay. Đây thực sự là thách thức của các đô thị, không chỉ với riêng Hà Nội mà còn có các đô thị có cơ ngơi di sản đồ sộ hơn ta rất nhiều…
Làm sao giữ gìn được di sản hình ảnh như là "chân dung" của Hà Nội qua "vùng lõi" tinh hoa như những quận Hoàn Kiếm, Ba Đình chẳng hạn... Khu "lõi" này quá nhỏ bé so với tương quan phát triển hàng trăm lần và vẫn còn đang phát triển về quy mô đô thị cũng như về tài sản kiến trúc đô thị của Hà Nội như hiện nay.
"Nét văn hóa tinh thần nổi trội ở Hà Nội là văn hóa phố phường- không phải văn hóa kinh đô như Huế. Đó chính là tinh thần đô thị của Hà Nội- có thể nêu như văn hóa ứng xử với nhau, văn hóa làng nghề, văn hóa buôn bán, cả văn hóa cạnh tranh nữa… Những nét văn hóa đó chứa đựng rất nhiều nét đặc sắc, điển hình của Hà Nội. Văn hóa đó vô cùng mong manh và cũng đã tàn phai rất nhiều. Làm sao để nhận ra, duy trì được những nét văn hóa đó trong thế tương quan phát triển đối nghịch như hiện nay. Đó là những điều mà những người nào nghĩ sâu, nghĩ rộng về phát triển Hà Nội phải nghĩ tới- đặc biệt là những người có trách nhiệm ra quyết định", GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ.
Hà An
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/tu-hao-thu-do-thiet-ke-cua-the-gioi-20250125134326116.htm