Như PLO đã thông tin, vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự giữa vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ (ngụ xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) với bị đơn là TAND huyện Tuy Đức vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Ông Võ đã kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 18-11-2024 của TAND tỉnh Đắk Nông vì tòa chỉ chấp nhận mức bồi thường 312 triệu đồng trong khi ông Võ yêu cầu hơn 22,5 tỉ đồng.
Ông Võ trong ngày được xin lỗi công khai. Ảnh: HT
Đáng chú ý, trong các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại, ông Võ yêu cầu bồi thường 259 triệu đồng chi phí luật sư. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm chỉ chấp nhận hơn 28 triệu đồng cho chi phí này.
Lập luận của tòa khi chỉ chấp nhận một phần chi phí luật sư
Trong suốt quá trình vướng oan sai, ông Võ đã thuê nhiều luật sư. Và tòa án đã lập luận đối với từng chi phí luật sư ở các giai đoạn khác nhau.
Ở giai đoạn điều tra, ông Võ yêu cầu bồi thường số tiền 30 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm cho rằng ông chỉ cung cấp hợp đồng dịch vụ, không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Luật này cử luật sư nào tham gia bào chữa, ngày giờ làm việc hợp lý cũng như đi lại của luật sư có xác nhận của cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức cũng trả lời tại thời điểm điều tra lần đầu không có luật sư nào tham gia trong suốt quá trình điều tra. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện với khoản tiền này của nguyên đơn.
Đối với yêu cầu số tiền thuê luật sư tham gia tố tụng bào chữa ở cấp sơ thẩm 30 triệu đồng. HĐXX cho rằng tuy ông không có chứng cứ tài liệu kèm theo nhưng hồ sơ vụ án thể hiện luật sư này có tham gia bào chữa tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 1,5 ngày. Do vậy, chấp nhận thanh toán chi phí tham gia xét xử thực tế 1,5 ngày cho luật sư này gần 2,5 triệu đồng (mức thù lao, chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác).
Đối với chi phí di chuyển và lưu trú của các luật sư (ông Võ yêu cầu 124 triệu), tòa án căn cứ vào số ngày thực tế mà các luật sư tham gia phiên tòa, tham gia thương lượng hòa giải, hỏi cung…và chỉ chấp nhận mức thù lao, chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác với số tiền gần 20 triệu đồng.
Tương tự đối với chi phí thuê luật sư trong giai đoạn khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại ông Võ yêu cầu 75 triệu đồng, tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu với số tiền 5,6 triệu đồng (mức thù lao, chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ).
Từ câu chuyện trên, nhiều thắc mắc được đặt ra liên quan đến trường hợp nào thì thù lao luật sư được chấp nhận? Mức thù lao luật sư bao nhiêu thì hợp lý?
Thù lao theo nguyên tắc tự do thỏa thuận
Thù lao luật sư được quy định tại Điều 55, 56 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2012). Theo đó, mức thù lao dịch vụ pháp lý của luật sư hoàn toàn theo nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng, ngoại trừ thù lao luật sư khi tham gia vụ án hình sự thì phải chịu giới hạn mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
Mức trần thù lao được quy định tại Điều 18 Nghị định 123/2013 (hướng dẫn Luật Luật sư). Theo đó, mức trần thù lao khi luật sư tham gia vụ án hình sự do tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng thỏa thuận và ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng 1 giờ làm việc không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Tòa đã công nhận một phần chi phí luật sư là thiệt hại
Thực tiễn cho thấy các tòa không thừa nhận chi phí luật sư là một khoản thiệt hại, mặc dù đây là chi phí thực tế, chi phí có thật. Còn phán quyết trọng tài thì đã có một số tiền lệ là chi phí luật sư được Hội đồng trọng tài thương mại công nhận một phần.
Gần đây, các tòa bắt đầu thừa nhận một phần thù lao, chi phí luật sư là thiệt hại để tính vào giá trị thiệt hại chung, đã là một dấu hiệu tốt. Nhưng yêu cầu tòa công nhận toàn bộ thù lao, chi phí luật sư để tính vào giá trị thiệt hại thì đây là vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.
Hiện nay khung pháp lý về bồi thường thiệt hại chưa đủ giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống, trong đó có vấn đề chi phí luật sư.
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam) lưu ý rằng cần chú ý để hiểu cho đúng "giờ làm việc của luật sư". Đó là tất cả thời gian luật sư dành ra cho công việc của khách hàng, bao gồm cả thời gian tự nghiên cứu, tư duy, tra cứu tài liệu, văn bản pháp luật, tìm kiếm thông tin vụ việc… nhằm phục vụ cho công việc tham gia tố tụng, chứ không phải chỉ hiểu máy móc là thời gian luật sư đi lại, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng.
"Vấn đề thù lao luật sư theo Luật Luật sư là các vấn đề thuộc lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Còn vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan sai, trong đó có phần liệt kê thiệt hại do phải bỏ chi phí cho dịch vụ luật sư là 2 vấn đề khác nhau.
Việc tòa không công nhận toàn bộ chi phí luật sư là thiệt hại hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tòa phủ nhận tính hợp pháp đối với quan hệ dịch vụ pháp lý giữa ông Võ với tổ chức hành nghề luật sư.
Tòa không đi vào giải quyết yếu tố đúng hay sai, công nhận hay không công nhận thù lao trong quan hệ dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng, mà tòa tính toán để công nhận các hạng mục thiệt hại, mức thiệt hại mà người bị oan được bồi thường" - luật sư Phong cho biết.
Nên bổ sung quy định về thù lao luật sư
Phân tích thêm, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng thù lao của luật sư trong vụ án dân sự sẽ do các bên thỏa thuận và được tính dựa trên các căn cứ: nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; kinh nghiệm và uy tín của luật sư. Thù lao được tính theo các phương thức giờ làm việc của luật sư; vụ, việc với mức thù lao trọn gói; vụ, việc với mức thù lao tính theo tỉ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định (Điều 55 Luật Luật sư).
Theo luật sư Quân, việc bản án chỉ chấp nhận một phần rất nhỏ chi phí luật sư, có thể xuất phát từ một lý do như chưa có quy định chi tiết về việc xác định chi phí luật sư. Mặc dù thỏa thuận thù lao giữa luật sư và khách hàng là tự nguyện, nhưng tòa án cũng cần căn cứ vào thực tế và các yếu tố khác (như quy định của pháp luật về chi phí tố tụng, chi phí hợp lý trong vụ án) để quyết định. Vì vậy đòi hỏi luật sư cần chứng minh chi phí luật sư là chi phí hợp lý khi đòi bồi thường thiệt hại.
Cạnh đó, nếu thỏa thuận giữa khách hàng và luật sư không rõ ràng về mức thù lao hoặc có sự thay đổi trong quá trình giải quyết vụ án, khách hàng có thể không thanh toán đầy đủ chi phí cho luật sư. Khi đó, tòa án sẽ chỉ công nhận chi phí hợp lý mà không công nhận toàn bộ số tiền yêu cầu.
Cũng theo luật sư Quân, hiện nay, mặc dù các quy định pháp lý cơ bản đã có, nhưng vẫn thiếu các hướng dẫn cụ thể về việc xác định, chứng minh và công nhận mức phí hợp lý trong các vụ án, đặc biệt là trong các vụ án dân sự và hình sự, dẫn đến sự không thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Vì vậy, cần bổ sung các quy định về tiêu chí cụ thể để xác định mức phí hợp lý, bao gồm các yếu tố như độ phức tạp của vụ án, thời gian và công sức của luật sư và giá trị của quyền lợi tranh chấp. Điều này sẽ giúp tòa án có cơ sở rõ ràng hơn trong việc đánh giá tính hợp lý của các khoản phí luật sư, từ đó đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Việc xác định mức phí dựa trên các yếu tố có thể sẽ không khách quan, không đúng công sức thực tế mà luật sư đã bỏ ra.
Cạnh đó, cần hướng dẫn thêm về mức trần phí luật sư trong một số vụ việc, đặc biệt là trong các vụ án hình sự, sẽ giúp tạo ra sự minh bạch hơn và bảo vệ các bên tham gia tố tụng tương xứng với giá trị của vụ án. Các mức trần này cũng cần được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế và chi phí dịch vụ pháp lý trong xã hội.
Về vấn đề bồi thường, dưới góc độ của người từng làm công tác xét xử, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng theo điểm c khoản 2 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, người yêu cầu bồi thường thiệt hại (nguyên đơn) có nghĩa vụ phải chứng minh những thiệt hại thực tế của mình và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Để chứng minh về thiệt hại thực tế, người yêu cầu bồi thường phải đưa ra các căn cứ chứng minh về việc mình đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và thanh toán cho luật sư. Đồng thời, còn phải chứng minh các công việc luật sư đã thực hiện trong thực tế so với phạm vi công việc được quy định trong hợp đồng dịch vụ pháp lý và kết quả của các công việc đó là gì.
Trong trường hợp đã cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh nêu trên, các luật sư đã thực hiện đầy đủ các công việc theo quy định tại hợp đồng dịch vụ pháp lý; đồng thời, mức thù lao của luật sư là phù hợp thì tòa án phải chấp nhận. Còn trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì tòa án không có căn cứ để chấp nhận.
Tòa sẽ chấp nhận nếu đương sự chứng minh được
Các vụ án oan sai thường có luật sư tham gia và đóng vai trò rất lớn. Có lẽ một phần nguyên nhân xuất phát từ việc người dân không tự mình nắm được các quy định của pháp luật để kêu oan mà họ có xu hướng nhờ luật sư hỗ trợ. Và khi các cơ quan tố tụng thừa nhận oan thì chi phí thuê luật sư "đi đòi công lý" cần được xem xét.
Tòa cũng rất sẵn lòng chấp nhận chi phí này nếu đương sự chứng minh được và pháp luật có quy định. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 205) có quy định là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư, còn lĩnh vực khác chưa có quy định.
Một thẩm phán tại TP.HCM đề nghị không nêu tên
YẾN CHÂU