Qua đó, niềm tin của cử tri và người dân vào đại biểu dân cử ngày càng được củng cố.
Ghi nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri
Anh Nay Hlinh (buôn Jứ, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) cho biết: Trước đây, mỗi năm, người dân phải hứng chịu vài trận lũ lụt, lũ lớn thì ngập đến mái nhà khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xã Ia Broắi được triển khai đã giúp cho 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không còn nỗi lo lũ lụt.
Được Nhà nước tạo điều kiện cấp cho mỗi hộ gần 400 m2 đất, anh xây dựng căn nhà sàn kiên cố với diện tích gần 100 m2. Gia đình anh trồng hơn 1,5 ha cây thuốc lá và 3 sào lúa, nuôi 5 con bò, thu nhập hàng năm đạt trên 200 triệu đồng. “Điện, đường, trường lớp được xây dựng đầy đủ, các cháu đi học gần nhà, thuận tiện hơn so với trước đây”-anh Hlinh chia sẻ.
Thi công dự án kè chống sạt lở tại khu vực trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Ảnh: M.N
Theo thống kê, huyện Ia Pa có 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16 km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600 m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở. Đặc biệt, tại các khu vực: trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng), thôn Quý Đức (xã Ia Trốk), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn), dòng chảy đã ép sát bờ sông, suối gây sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ và có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Người dân rất lo lắng về tình trạng sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa lũ làm mất đất sản xuất của các hộ gần bờ sông. Vì vậy, người dân đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư làm bờ kè để giữ đất sản xuất và các công trình giao thông ở những vị trí này.
Bà Đặng Thị Ánh (thôn Quý Đức) cho biết: “Tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra gần 20 năm qua khiến người dân lúc nào cũng sống trong thấp thỏm. Vào mùa mưa lũ, dòng chảy lớn gây sạt lở dọc bờ sông khiến diện tích đất ở, đất sản xuất của bà con dần bị thu hẹp. Thậm chí, nhiều vị trí sạt lở lấn sát vào nhà dân, nhiều hộ không dám ở phải di dời đi nơi khác. Bà con đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri.
Khi tỉnh triển khai Dự án xây kè bảo vệ để ngăn chặn sạt lở ở các khu vực bờ sông, chúng tôi thấy yên tâm hơn. Người dân rất mong dự án này sớm hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hòa (cùng thôn) cho hay: “Cứ mỗi mùa mưa lũ, nước về không những xâm lấn đến sát nhà ở mà còn “nuốt” luôn đất sản xuất. Nhiều gia đình sống gần khu vực bờ sông bị mất 3-4 m đất, thậm chí từ 30 đến 50 m tính từ mép nước vào. Cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ dự án xây kè chống sạt lở để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”.
Đáng chú ý, sau khi UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa thì dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được gấp rút triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Theo đó, Dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức và khu vực cầu Ia Kdăm có kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương năm 2023, do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có tổng chiều dài hơn 3 km, được khởi công tháng 7-2024, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2024.
Kè chống sạt lở bờ sông, suối tại Ia Pa đang được thi công xây dựng. Ảnh: Minh Nguyễn
Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, tại kỳ họp chuyên đề thứ 22 tổ chức vào ngày 14-10-2024, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua báo cáo do UBND tỉnh trình về thực hiện Dự án xây dựng công trình khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông, suối khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức, khu vực cầu Ia Kdăm. Đây được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản để ổn định dân cư khu vực này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, tình hình sạt lở tại các điểm trên địa bàn huyện Ia Pa là hết sức nghiêm trọng và khẩn cấp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt, các vị trí thường xuyên sạt lở này có các khu dân cư, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng không những đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân mà còn nguy cơ gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và các hộ dân.
“Nhiều năm qua, do mất đất sản xuất và sợ ảnh hưởng đến nhà ở, tính mạng, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng các công trình kè để bảo vệ nhà, đất ở và đất sản xuất. Do đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát hiện trường để có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo tiến độ đề ra.
Cùng với đó, chủ động kiểm tra, giám sát công trình, đồng thời hàng tháng tham mưu UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2024”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh.
Không để tồn đọng, kéo dài
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: Ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước đây có nhiều nội dung đơn giản nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, cử tri vẫn kiến nghị lại nhiều lần, trong đó có ý kiến về tình trạng sạt lở ở sông Ba. Điều này thuộc về trách nhiệm tham mưu, đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Tôi đề nghị khi giải quyết cần có sự phân loại; nội dung kiến nghị nào thuộc thẩm quyền thì phải tập trung giải quyết triệt để, liên đới nhiều cơ quan thì phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết, còn vượt thẩm quyền thì cần kiến nghị, đeo bám để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri, tránh để tồn đọng, kéo dài”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Nhiều vị trí sạt lở ở thôn Sông Ba (xã Chư Rcăm) đã "xâm thực" tuyến quốc lộ 25 cũ khiến nhiều hộ dân ở khu vực đã di dời đến nơi ở mới sinh sống. Ảnh: M.N
Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến việc đầu tư làm bờ kè sông Ba cho các xã phía Đông sông Ba để giữ đất sản xuất cho người dân, UBND tỉnh có Công văn số 1462/UBND-NL về việc báo cáo kết quả thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 3.144 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xây dựng 24 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh (trong đó có 2 dự án trên địa bàn huyện Ia Pa: sạt lở sông Ba (khu vực xã Chư Mố) với kinh phí 130 tỷ đồng; sạt lở sông Ba (khu vực xã Ia Broắi) với kinh phí 165 tỷ đồng). Hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn chưa bố trí vốn.
Từ năm 2009 đến nay, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba-đoạn qua địa bàn huyện Krông Pa ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn xã Chư Rcăm từ năm 2009 đến nay có khoảng 100 ha đất nông nghiệp của người dân ở dọc bờ sông Ba bị sạt lở, mất trắng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân.
Gia đình ông Phạm Công Thanh (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) phải rời bỏ nhà cũ chuyển đến nơi khác sinh sống khi bị dòng sông Ba “đuổi” đến tận mép nhà.
“Có năm, phần đất của gia đình bị dòng chảy xâm lấn từ 30 đến 40 m. Mảnh đất hơn 2 sào nằm cạnh quốc lộ giờ chỉ còn một khoảnh bé tẹo. Nếu chính quyền địa phương không sớm có phương án xây kè bảo vệ thì tình trạng sạt lở sẽ ảnh hưởng đến các công trình dân sinh, nhất là tuyến quốc lộ 25 hiện nay”-ông Thanh nêu thực trạng.
Theo ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa: Hiện trên địa bàn huyện có 13 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài hơn 22,7 km (chủ yếu xảy ra dọc theo sông Ba và các con suối thuộc lưu vực của hệ thống sông Ba).
Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 3 thôn, buôn dọc bờ sông Ba (buôn H’Lang, thôn Mới, thôn Sông Ba) với tổng số 819 hộ/3.496 khẩu, diện tích đất ở là 16 ha, đất sản xuất nông nghiệp 81 ha và khu vực trung tâm hành chính xã Chư Rcăm, Trường Tiểu học Chư Rcăm, Trường THCS Nguyễn Trãi. Tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sinh sống và sản xuất dọc bờ sông Ba.
“Tiếp nhận ý kiến của cử tri, HĐND huyện đã chuyển tải nội dung này đến các cấp chính quyền. Đồng thời, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cấp bách này. Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm có chiều dài bờ kè dự kiến khoảng 2 km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2025.
Dự án được triển khai sẽ mang lại lợi ích lâu dài, góp phần đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân, cải thiện điều kiện an toàn cho các công trình xây dựng, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững”-ông Chánh nhấn mạnh.
VĨNH HOÀNG