Trang tin quân sự Eurasian Times ngày 23/4 dẫn lời Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khuyến cáo về khả năng Trung Quốc chiếm ưu thế trên không trước Mỹ tại "chuỗi đảo thứ nhất".
"Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 2.100 máy bay tiêm kích các loại và 200 máy bay ném bom H-6. Tốc độ sản xuất tiêm kích của Trung Quốc hiện cũng cao hơn Mỹ, theo tỷ lệ 1,2:1. Không những vậy, họ còn sở hữu các loại tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến, đây là nguy cơ rất lớn với các máy bay của chúng ta", ông Paparo phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ.
Tiêm kích J-36, máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Tuy vậy, Đô đốc Paparo cũng trấn an rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không thể chiếm được lợi thế tuyệt đối trên không. "Mỹ vẫn có những quân bài chiến lược. Chúng ta có thể các tạo ra 'khoảng trống trên không' để thực hiện những mục tiêu cần thiết", ông Paparo nói.
"Chuỗi đảo thứ nhất" là thuật ngữ dùng để chỉ các vùng đảo chiến lược ở Đông Á, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và phía bắc Philippines. Dù Bắc Kinh vẫn vận hành nhiều máy bay đời cũ, nhưng số lượng tiêm kích thế hệ thứ 4 và thứ 5 của Trung Quốc cũng đang tăng nhanh. Ngoài ra, nước này đã bắt đầu thử nghiệm chiến cơ thế hệ 6.
Theo truyền thông Mỹ, "ưu thế trên không" là điều quân đội nước này từng thể hiện trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông. Khả năng kiểm soát gần như toàn bộ bầu trời cho phép các chiến cơ của Washington hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng mặt đất.
Tuy vậy, các chuyên gia quân sự nhận định, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đánh giá lại khái niệm "ưu thế trên không" trong bối cảnh xung đột hiện đại. Với sự xuất hiện của các loại radar tân tiến và tên lửa phòng không mạnh mẽ, việc một bên kiểm soát hoàn toàn bầu trời trong thời gian dài là không thực tế.
Việt Dũng