Theo đó, khoảng 1 tuần trước, ông N.T.H., ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa đã nhập viện vì cơn đau quặn thận và vết loét da ở vùng trán. Ông H. đã được các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện tán sỏi. Còn vết loét hở, kích thước 3x4cm (bằng quả chanh), sâu 1-2cm và chứa nhiều dịch mủ.
Các bác sĩ cho biết phương pháp chiếu tia laser trị mụn cóc rất hiệu quả. Ảnh minh họa: Bích Nhàn
Bác sĩ Hồ Ngọc Trinh, chuyên khoa Da liễu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, các bác sĩ đã phải cắt lọc các mô hoại tử, rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hàng ngày cho bệnh nhân và truyền kháng sinh.
Theo ông H., 2 tháng trước ngày nhập viện, ông đã tự mua thuốc bán trên mạng để chấm mụn cóc trên trán. Ông H. chấm 2-3 lần/ngày và kéo dài nhiều ngày liền. Kết quả, vùng da chấm thuốc ngày càng bị lan rộng và sâu nhưng ông H. vẫn chấm tiếp do nghĩ rằng thuốc sẽ làm sạch chân mụn cóc.
Bác sĩ Trinh cho hay, trong thuốc mà ông H. dùng có chứa thành phần acid nên có khả năng phá hủy cấu trúc sinh lý của da và gây các biến chứng như: bỏng acid, ăn mòn tạo ổ loét, nhiễm trùng da, tổn thương lan ra vùng da xung quanh…
Trong khi đó, mụn cóc có thể được điều trị bằng laser và mang lại hiệu quả cao vì có khả năng tập trung năng lượng ánh sáng vào một vị trí, giúp tiêu diệt chính xác các tế bào bị nhiễm virus HPV gây mụn cóc.
Bích Nhàn