Từ nay đến đầu tháng 11, không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ

Từ nay đến đầu tháng 11, không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ
4 giờ trướcBài gốc
Nhiệt độ và lượng mưa trong tháng 9 đều ghi nhận con số kỷ lục
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời kỳ từ ngày 11/9-10/10/2024, trên Biển Đông đã xuất hiện 2 cơn bão. Sáng 17/9, một áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và đến sáng sớm ngày 19/9 đã mạnh lên thành bão số 4 sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Chiều ngày 19/9, sau khi đi vào đất liền khu vực Quảng Bình-Quảng Trị, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Không khí lạnh gia tăng về cường độ vào cuối tháng 10.
Sáng 1/10, bão số 5 đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, sau đó di chuyển lên phía bắc đi vào khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và không ảnh hưởng đến nước ta. Thời kỳ này, trên phạm vi toàn quốc xảy ra một số trận dông, lốc, sét. ở Lâm Đồng, An Giang, sạt lở ở Bắc Quang (Hà Giang), sét kèm mưa lớn ở Văn Chấn (Yên Bái), sét ở Bình Thuận và lốc xoáy ở Cà Mau.
Trong thời kỳ 11/9-10/10, có 2 đợt không khí lạnh vào các ngày 22/9 và 01/10. Trong đó, đợt không khí lạnh ngày 01/10 đã ảnh hưởng đến toàn khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ thấp nhất ngày xuống dưới 20 độ, có nơi dưới 15 độ C: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 11,9 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 12,9 độ C; Sapa (Lào Cai) 12,5 độ C.
Thời kỳ này chỉ xuất hiện 1 đợt nắng nóng tại khu vực Việt Bắc vào ngày 14-15/9, các khu vực khác có nắng nóng cục bộ. Trong thời kỳ này, nhiều trạm khí tượng đã ghi nhận có nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ như Đà Lạt (Lâm Đồng 27,4 độ C, (Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 32,9 độ C, Biên Hòa Đồng Nai) 36 độ C, Bến Tre 35,4 độ C, Cà Mau 35,2 độ C, EaKmat (Đắk Lắk) 34 độ C.
Những nơi ghi nhận nhiệt độ trong ngày vượt giá trị lịch sử đầu tháng 10 gồm Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi, An Nhơn (Bình Định), Sơn Hòa và Tuy Hòa ở Phú Yên, Nha Trang (Khánh Hòa), EaHleo (Đắk Lắk) Buôn Ma Thuộc (Đắc Lắk) EaKmat (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng), Trị An (Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Cà Mau.
Tại khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 2 đợt mưa lớn. Từ ngày 21-22/9 và từ ngày 30/9-1/10. Tại khu vực Trung Bộ có các đợt mưa lớn như sau: Từ ngày 11-12/9 xảy ra tại khu vực Bắc Trung Bộ; ngày 17-23/9 và từ ngày 7-9/10 tại khu vực Bắc-Trung Trung Bộ. Trong đó, đợt mưa từ ngày 17-23/9 có tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi cao hơn, mưa do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 4.
Đáng lưu ý vùng mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Nghệ An-Quảng Nam từ ngày 18-20/9; riêng khu vực Nam Nghệ An-Hà Tĩnh từ ngày 22-23/9 do kết hợp thêm với ảnh hưởng của không khí lạnh nên tiếp tục có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi cao hơn.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông với nhiều ngày có mưa vừa, mưa to. Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng có giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ gồm: Phù Liễn (Hải Phòng), Song Tử Tây (Khánh Hòa), Bắc Quang (Hà Giang) và Phố Ràng (Lào Cai).
Thời kỳ từ ngày 11/9-10/10, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C, có nơi cao hơn. Tổng lượng mưa trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 15-40%, có nơi cao hơn; riêng khu vực Lai Châu, Cao Bằng và các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổng lượng mưa thấp hơn từ 20-50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ nay đến đầu tháng 11, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm; khu vực phía Tây Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong thời kỳ từ ngày 11/10-10/11, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên biển Đông: 1,9 cơn; trung bình nhiều năm đổ bộ: 0,8 cơn).
Từ nay đến đầu tháng 11, hoạt động của không khí lạnh tiếp tục có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ. Khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Ngoài ra, mưa dông trên phạm vi cả nước có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Chuyên gia cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 10, nhiệt độ trung bình trên cả nước vẫn phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng 11 - 12, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ; riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ - Trung Trung Bộ có khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Chúng tôi dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12/2024, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm)", TS Hoàng Phúc Lâm cho hay,
Theo Phó Giám đốc cơ quan khí tượng, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 1 - tháng 2/2025 gây ra rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Cần đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tu-nay-den-dau-thang-11-khong-khi-lanh-gia-tang-ve-tan-suat-va-cuong-do-169241011154016491.htm