'Tự nguyện thỏa thuận'

'Tự nguyện thỏa thuận'
4 giờ trướcBài gốc
Thật ra, nguyên tắc tự nguyện cam kết, thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm là nguyên tắc cơ bản trong các giao dịch dân sự, được quy định trong Bộ luật Dân sự, khi các chủ thể bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý, về quyền và nghĩa vụ, không bị lệ thuộc, ràng buộc bởi bất cứ điều kiện, lý do gì. Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng quy định “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Về mặt pháp lý, khoản 6 Điều 22 Luật Giáo dục quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục: “Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật”. Theo đó, nếu có dấu hiệu ép buộc, nhất là đối với đối tượng lệ thuộc là phụ huynh của các học sinh lớp mình, trường mình trực tiếp quản lý, dạy dỗ thì đã là là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp, chắc rằng đa số các nhà giáo đều không đồng ý với hành vi của cô giáo kia, khi chỉ vì một khoản tiền mua máy tính, mà hạ thấp cả lòng tự trọng, danh dự và uy tín của nghề.
Xét về tâm lý phụ huynh, khi có con học trong các nhà trường, việc mong muốn thầy cô vui vẻ, quan tâm, nhiệt huyết trong dạy dỗ con cái mình là tâm lý chung, là nguyện vọng chính đáng. Do đó, khi nhà trường hoặc cá nhân thầy cô đã có lời kêu gọi, xin ủng hộ, hỗ trợ... thì dù không hài lòng, cũng khó có thể nói thẳng là không đồng ý, vì không muốn phật ý thầy cô.
Rõ ràng, về phương diện chữ nghĩa, mọi thứ “hỗ trợ, ủng hộ” đều được yêu cầu “tự nguyện”. Nhưng trên phương diện thực tế, học sinh và phụ huynh là những người bị lệ thuộc về mặt quản lý và tâm lý. Do vậy, dù không hài lòng, dù gia cảnh khó khăn, thật khó khi cha mẹ học sinh không “tự nguyện” thực hiện những gì mà nhà trường hoặc giáo viên kêu gọi “hỗ trợ, ủng hộ”. Sự thật là phụ huynh phải miễn cưỡng mà làm, vì lo lắng cho con em mình mà thôi. Sự việc từ hành vi cá nhân của một cô giáo, nhưng cũng để lại sự phân vân cho các sự việc tương tự có thể cũng đã và đang diễn ra trong một số cơ sở giáo dục công lập.
Nhiều địa phương, trong đó có Bình Phước, để giới hạn phạm vi, nội dung được phép thỏa thuận, cơ quan có thẩm quyền đã quy định theo hướng ngoài các khoản thu được quy định và được thỏa thuận trong văn bản quy phạm pháp luật, các cơ sở giáo dục công lập không được tự thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm bất kỳ khoản gì khác.
Cần và phải hiểu và làm đúng về cái gọi là sự “tự nguyện thỏa thuận”.
Nguyễn Thanh
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163594/tu-nguyen-thoa-thuan