Từ những con đường, góc phố, người dân, du khách rưng rưng dõi theo Đại lễ 30-4

Từ những con đường, góc phố, người dân, du khách rưng rưng dõi theo Đại lễ 30-4
4 giờ trướcBài gốc
Dòng người ken kín khu vực trung tâm TPHCM chào mừng Chương trình Kỷ niệm 30-4
Dòng người ken kín khu vực trung tâm TPHCM chào mừng Chương trình Kỷ niệm 30-4
Đúng 6 giờ 30 sáng 30-4, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức bắt đầu tại trung tâm TPHCM.
Người dân dõi theo Chương trình Đại lễ 30-4 từ khu vực chợ Bến Thành
Hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về các tuyến đường trung tâm, tập trung tại các điểm công cộng quanh khu vực tổ chức sự kiện, lúc này đang chăm chú dõi theo chương trình qua những màn hình LED lớn được bố trí sẵn.
Khi bài hát Quốc ca vang lên, cũng là lúc mọi người dân đều đứng dậy, trang nghiêm đặt tay lên lồng ngực, cất theo tiếng hát. Không khí xúc động, tự hào và thiêng liêng bao trùm.
Bác Trần Văn Vinh (sinh năm 1955, cựu chiến binh đến từ Đắk Lắk) dõi theo Lễ kỷ niệm qua màn hình LED. Ảnh: CẨM TUYẾT
Đứng ở khu vực đường Lê Lai (quận 1), bác Trần Văn Vinh (sinh năm 1955, cựu chiến binh đến từ Đắk Lắk) lặng lẽ đứng bên màn hình lớn, ánh mắt không rời hình ảnh đoàn quân tiến qua lễ đài.
Ngày đó, chúng tôi cũng từng tham gia diễu hành sau khi giải phóng. Bây giờ xem lại cảnh này mà lòng tôi rưng rưng. Các lực lượng hôm nay đồng đều, trang nghiêm, tổ chức rất bài bản. Tự hào lắm!
- bác Vinh nói. Ông không giấu nổi cơn xúc động trong chia sẻ nhớ về những đồng đội năm xưa đã nằm lại nơi chiến trường.
Cựu chiến binh Nguyễn Chí Bấc đặt tay lên ngực áo và tay cầm cờ chào đoàn diễu binh đi qua
Cũng ở khu vực này, anh Raymond, sinh năm 1999, đến từ Nam Phi (và bạn gái Đàng Ngọc Hoàng Vi, sinh năm 1998, quê Ninh Thuận, đã có mặt tại đường Lê Lai từ 1 giờ sáng) cho biết, anh cảm nhận được sự tự hào của người dân Việt Nam về sự kiện lịch sử này.
Bản thân anh Raymond cũng có những cơn xúc động khi mấy ngày qua, được bạn gái chia sẻ về hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, công tác chuẩn bị Đại lễ 30-4 và trái tim mỗi người dân Việt Nam trước sự kiện này. Anh cảm thấy một tình yêu đất nước Việt Nam trỗi dậy và chảy trong tim mình.
Người dân dõi theo chương trình từ mọi con đường, góc phố khu vực trung tâm TPHCM
Trong dòng người ở khu vực giao lộ đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1), anh Phạm Vũ Hải Hoàng (sinh năm 1991, đến từ Hải Phòng) chờ đợi đoàn diễu binh, diễu hành đi qua.
Anh Hoàng cho biết, đã thu xếp công việc từ nhiều ngày trước để bay vào TPHCM, chỉ với một mong muốn duy nhất: được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử tròn 50 năm non sông liền một dải.
Gia đình anh Phạm Vũ Hải Hoàng chọn được một góc phố hòa cùng không khí Đại lễ
Anh Hoàng khẳng định, ngày hôm nay, anh không chỉ đến để xem, mà là để “góp mặt” như một người con đất Bắc vào Nam trong ngày hội non sông.
Không gì bằng khi được hòa vào dòng người ngay giữa TPHCM. Tôi cảm nhận rõ tinh thần dân tộc, sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước và cả lòng biết ơn những người đã ngã xuống trong thời khắc thiêng liêng này
- anh Hoàng chia sẻ.
Ở một góc khác, chị Vũ Thị Diệu Thúy (TS Luật tại Pháp, mới về Việt Nam sinh sống và làm việc tại một trường đại học tại TPHCM) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được xem Lễ diễu binh, diễu hành trên quê hương. Bao năm xa đất nước, giờ trở về đúng dịp, tôi thấy rất bồi hồi. Hôm nay thực sự là ngày hội của đoàn kết, của hòa hợp dân tộc”, Chị Thúy xúc động.
Anh Vũ Hoàng Kỳ Linh (sinh năm 1996), một người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức xem chương trình qua điện thoại. Ảnh: THÀNH CHUNG
Đứng ở khu vực không có màn hình LED, anh Vũ Hoàng Kỳ Linh (sinh năm 1996), một người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức xem chương trình qua điện thoại.
Anh Linh cho biết, lần đầu tiên được trải nghiệm không khí của một lễ diễu binh quy mô lớn ngay trên đất mẹ, khiến anh xúc động đến nghẹn lời.
Nghe những lời phát biểu của bác cựu chiến binh, thực sự tôi không biết phải diễn tả thế nào... chỉ có thể nói là tự hào vô cùng khi mình là người Việt Nam
- anh Linh chia sẻ.
Đúng 8 giờ, cuộc diễu binh, diễu hành bắt đầu. Không khí quanh khu vực phát sóng trực tiếp buổi lễ như ngưng đọng. Mọi người dõi theo từng lời phát biểu, từng hình ảnh trên màn hình.
Hình ảnh mỗi khối diễu binh xuất hiện là một tràng vỗ tay vang lên, như một phản xạ tự nhiên của lòng yêu nước.
Tiếp sức cho người dân, du khách
Trên mỗi cung đường, góc phố, lực lượng chức năng liên tục "tiếp sức" cho người dân, du khách bằng những chai nước, bánh kẹo, khăn ướt...
Xem Chương trình Đại lễ từ xa
Chị Lê Thị Linh Sương (ngụ quận 11) cùng nhóm bạn hơn 10 người có mặt lúc 4 giờ sáng ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần.
Trước đó hơn 1 tháng, chị Sương đặt bàn ăn sáng tại khách sạn Victory (quận 3) để nhóm có chỗ ngồi xem chương trình.
“Tôi rất xúc động được xem, nghe đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn, rồi các đồng chí từng tham gia các trận đánh chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi cảm thấy thật tự hào và biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh để chúng tôi được sống trong hòa bình, hạnh phúc như hôm nay”, chị Sương bày tỏ.
Chị Sương cho biết thêm, các đợt sơ duyệt, tổng duyệt chị cũng đến xem, nhưng hôm nay được hòa mình trong đại lễ, cảm giác hạnh phúc càng thêm bội phần.
Gia đình bà Đồng Thị Tấn Châu (ngụ tỉnh Khánh Hòa) chờ đón xem và cổ vũ đoàn diễu binh từ ban công khách sạn Victory (quận 3)
Có em bé, không ra được khu vực chính xem Lễ kỷ niệm, gia đình chị Hoàng Huyền Trang xem truyền hình trực tiếp qua tivi ngay tại khách sạn
THÀNH CHUNG - CẨM TUYẾT - THÁI PHƯƠNG - TAM NGUYÊN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tu-nhung-con-duong-goc-pho-nguoi-dan-du-khach-rung-rung-doi-theo-dai-le-30-4-post793287.html