Năm 2022, ông Thái được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc. “Việc sử dụng phân hóa học trong sản xuất thời gian dài làm cho đất đai ngày càng bạc màu. Mặt khác, giá phân bón hóa học ngày càng tăng, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng còn diễn ra đã ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, thiệt hại cho nông dân, trong khi phân hữu cơ vốn có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng vẫn chưa được chú trọng”, ông Thái nói.
Từ những suy nghĩ trên, sau lần được Hội Nông dân huyện Châu Thành đưa tham quan các mô hình của nông dân ngoài tỉnh, trong đó có mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, năm 2020, ông Thái mày mò thử nghiệm rồi mạnh dạn thực hiện quy trình sản xuất phân hữu cơ tại nhà.
Ông xây dựng nhà kho diện tích 150m2, trong đó đặt một máy nghiền, một hầm ủ phân vi sinh gồm 3 hộc với thể tích khoảng 100m3. Để giảm công lao động, ông trang bị một máy trộn và xúc phân đóng bao tự động.
Ông Dư Văn Thái tại khu nghiền tàu cau, tàu dừa trước khi đem ủ thành phân hữu cơ.
Nguyên liệu chính để sản xuất phân hữu cơ là tàu dừa, tàu cau khô, trái dừa điếc, cây và lá khóm. Toàn bộ nguyên liệu được đưa vào máy nghiền nhuyễn, sau đó đem ủ với phân bò theo tỷ lệ một phần phân chuồng kết hợp một phần phế phẩm được nghiền mịn. Để ngăn mùi hôi và đẩy nhanh quá trình phân hủy, ông Thái sử dụng chế phẩm sinh học EM và nấm đối kháng Trichoderma.
Bắt đầu ủ đến khi nguyên liệu phân hủy hoàn toàn và có thể sử dụng bón cho cây trồng chỉ mất 3 tháng. Suốt quá trình này, ông Thái không cần phải dùng tay đảo trộn phân như phương pháp truyền thống nhờ lắp đặt hệ thống thổi khí ASP giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật và phân chuồng.
Ngoài ra, ông tận dụng cá dạt hoặc đầu cá biển mà các cơ sở chế biến thủy sản địa phương bỏ đi ủ cùng chế phẩm sinh học EM và vỏ trái khóm để thành phân hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao.
Theo tính toán của ông Thái, với 2ha khóm, cau, dừa, mỗi năm chi phí mua phân hóa học khoảng 40 triệu đồng. Từ khi sử dụng phân hữu cơ tự ủ để thay thế, ông giảm được 50% chi phí sản xuất. Việc sử dụng phân hữu cơ tuy tốn công sản xuất nhưng bù lại đất được cải tạo, khắc phục tình trạng nấm bệnh trên khóm, nhất là kéo dài thời gian cho trái của cây khóm, trái khóm ngọt và không có dư lượng hóa chất, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài bón cho vườn khóm, cau, dừa của gia đình, ông Thái bán ra thị trường với giá 60.000 đồng/bao 20kg.
Ông Thái cho biết ngoài giảm chi phí sản xuất, cây phát triển tốt, còn một nguyên nhân khiến ông chuyển sang bón phân hữu cơ cho vườn khóm, cau và dừa là vì muốn người dân địa phương thấy hiệu quả mà làm theo. Bởi theo ông, cách làm này góp phần giúp người dân giữ sạch đường làng, ngõ xóm nhờ giảm lượng rác thải ra môi trường.
Bài và ảnh: AN LÂM