Sau nghị quyết của Trung ương Đảng về việc hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược. Trong bối cảnh trung tâm hành chính của tỉnh mới đặt tại TP Tân An (Long An), việc hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông từ Tây Ninh trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.
Một góc TP Tân An. Ảnh: Huỳnh Du
Hiện nay, khoảng cách từ TP Tây Ninh đến TP Tân An khoảng 115 km, với ba tuyến đường bộ chính:
Tuyến thứ nhất là đường tỉnh 786 – tuyến huyết mạch nối Tây Ninh với khu vực cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu), sau đó qua cầu Đường Xuồng – cây cầu nối liền hai tỉnh – để tiếp tục di chuyển trên đường tỉnh 838 thuộc địa phận Long An về TP Tân An.
Trong ảnh là tuyến đường tỉnh 786 – tuyến giao thông có vai trò liên vùng quan trọng, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại trong nước mà còn góp phần hỗ trợ giao thương với Campuchia. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này vẫn còn khá hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thông giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Tiến
Tuyến thứ hai xuất phát từ khu công nghiệp Thành Thành Công (Thị xã Trảng Bàng), một trong những khu công nghiệp trọng điểm của Tây Ninh, kết nối với đường tỉnh 825 (Long An).
Phía sau cổng chào vào Khu công nghiệp Thành Thành Công, tại thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, là ranh giới đánh dấu bước sang xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: Nguyễn Tiến
Khu công nghiệp Thành Thành Công nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Tiến
Đây là tuyến đường có tiềm năng trở thành trục công nghiệp – logistics giữa hai địa phương trong tương lai.
Ngoài ra, người dân Tây Ninh còn có thể di chuyển theo hướng quốc lộ 22, sau đó rẽ vào quốc lộ N2 tại Thị xã Trảng Bàng để vào Long An.
Tuyến đường quốc lộ N2 tại Thị xã Trảng Bàng để vào Long An.
Tuy nhiên, lộ trình này phải đi qua TP.HCM, khiến quãng đường xa và thời gian di chuyển kéo dài hơn so với hai tuyến còn lại.
Ngoài ra, người dân hai tỉnh Long An và Tây Ninh còn thường xuyên qua lại qua bến đò Lộc Giang, nằm trên sông Vàm Cỏ Đông. Bến đò này kết nối từ đường tỉnh 821 ở Long An đến đường liên ấp Phước Long, dẫn vào trung tâm xã Phước Chỉ, thuộc Tây Ninh. Ảnh Huỳnh Du
Dù có nhiều hướng đi, song các tuyến kết nối hiện hữu đều có điểm chung là mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và kết nối ngày càng cao giữa hai tỉnh sau sáp nhập.
Việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có và mở thêm các tuyến mới là điều kiện tiên quyết để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của vùng. Ảnh: Nguyễn Tiến
Hiện tại, một tín hiệu tích cực là tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đức Hòa) đang được thi công, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Cầu Tây Long kết nối tỉnh Tây Ninh và Long An nhìn từ trên cao. Ảnh Nguyễn Tiến
Cầu Tây Long bắc qua Kênh Thạch Bích nối giữa 2 tỉnh Tây Ninh – Long An nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa. Ảnh: Nguyễn Tiến
Cầu vượt qua nút giao của khu công nghiệp Thành Thành Công (TX.Trảng Bàng) nằm trong dự án đường Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút thi công. Ảnh Nguyễn Tiến
Cầu Tây Long hoàn thành sẽ giúp dự án đường Hồ Chí Minh được kết nối thông suốt, hình thành tuyến giao thông quan trọng kết giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh.
Tuyến đường này đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An, hứa hẹn mở ra trục kết nối chiến lược cho toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa Tây Ninh và Long An không chỉ là bước chuẩn bị cho sự kiện hợp nhất hành chính, mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mở ra không gian phát triển mới cho cả khu vực.
NGUYỄN TIẾN