Tư vấn, giới thiệu việc làm: Cơ hội cho người nghèo

Tư vấn, giới thiệu việc làm: Cơ hội cho người nghèo
2 giờ trướcBài gốc
Người lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động và lựa chọn doanh nghiệp vào làm việc.
Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng phòng Thông tin thị trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm, tâm đắc: Tâm lý của NLĐ nghèo thường tự ti, không quyết đoán trong lựa chọn công việc, nên khi trao đổi với NLĐ, chúng tôi tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan đến NLĐ để nắm rõ năng lực của từng người. Từ đó tư vấn, định hướng công việc, nghề học và thực hiện kết nối với nhà tuyển dụng, giúp NLĐ lựa chọn được công việc phù hợp và đến doanh nghiệp làm việc với mức thu nhập thỏa đáng.
Hiện toàn tỉnh có gần 612.000 NLĐ từ 15 tuổi trở lên, trong đó có khoảng gần 1,5% NLĐ thất nghiệp, hoặc có việc làm nhưng không mang lại thu nhập ổn định.
Để giải “bài toán” việc làm cho NLĐ nghèo, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động triển khai có hiệu quả các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó coi trọng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. 5 năm gần đây, đã có gần 200.000 lượt NLĐ, học sinh, sinh viên được tư vấn về việc làm, học nghề; 20.000 NLĐ được giới thiệu việc làm; gần 7.000 NLĐ được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc.
Riêng năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 41.800 lượt người, đạt 139% kế hoạch năm; hơn 4.800 người được giới thiệu việc làm, đạt 107% kế hoạch năm; hơn 1.300 người được doanh nghiệp nhận vào làm việc, đạt 104% kế hoạch năm. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có gần 30.600 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; 4.000 người được giải quyết việc làm mới, trong đó có 1.861 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu đến các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Romania và các thị trường khác.
Để công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và NLĐ, đặc biệt là NLĐ nghèo, vào tháng 4 hằng năm, Sở phối hợp cũng các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động. Trong tháng được tổ chức, hàng loạt hoạt động trực tiếp và trực tuyến được diễn ra. Ví như năm 2023, trong tháng cao điểm, 20 hoạt động được tổ chức, thu hút hơn 180 lượt doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 9.000 lượt NLĐ tham gia. Kết quả có hơn 1.000 người được giới thiệu và kết nối việc làm và tuyển sinh học nghề; hơn 2.000 NLĐ tham gia phỏng vấn trực tuyến tại các điểm cầu, trong đó gần 600 NLĐ trúng sơ tuyển.
Gần đây nhất là Tháng cao điểm năm 2024 với 40 hoạt động, thu hút hơn 200 lượt doanh nghiệp, 110 trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh và hơn 10.000 lượt NLĐ, học sinh, sinh viên tham gia. Trong Tháng đã có hơn 1.200 người được giới thiệu, kết nối việc làm. Đáng chú ý, trong tổng số NLĐ được Trung tâm Dịch vụ việc làm cung ứng cho doanh nghiệp, có hơn 700 NLĐ nghèo và là người dân tộc thiểu số.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nghèo.
Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề luôn nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Qua đó giúp NLĐ trẻ lựa chọn được công việc hoặc học nghề phù hợp với sở trưởng, phát huy được năng lực của bản thân. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đã tạo hiệu ứng tích cực trong NLĐ, giúp NLĐ thay đổi tư duy, chủ động tham gia thị trường lao động, tự tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo được việc làm mới có thu nhập cao hơn so với công việc trước đó.
Qua tìm hiều chúng tôi biết, từ các năm gần đây, theo chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện chủ trương đưa hoạt động kết nối cung - cầu lao động về cơ sở. Theo đó, phạm vi hoạt động được mở rộng, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có thêm cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; thông tin về việc làm, đào tạo nghề, BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều NLĐ nghèo có công việc làm ổn định, còn doanh nghiệp bổ sung được nguồn nhân lực đáp ứng được vị trí việc làm.
Một thuận lợi là trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ với các nội dung cụ thể như: Xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, duy trì hiệu quả sàn giao dịch việc làm trực tuyến; từng bước hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Việc thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động, hỗ trợ kết nối việc làm được Sở tổ chức thường xuyên, giúp NLĐ, đặc biệt là NLĐ nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/tu-van-gioi-thieu-viec-lam-co-hoi-cho-nguoi-ngheo-e7215ed/