Với hơn 22 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hòa (giáo viên Trường Mầm non Tân Đức, Phú Bình) là tấm gương sáng về sự tận tâm, sáng tạo trong công việc. Không chỉ mang đến những giờ học sinh động, cô còn biến lớp học thành ngôi nhà thứ hai ấm áp, nơi mỗi đứa trẻ được yêu thương, vui chơi và phát triển toàn diện.
Từ nhỏ, cô Hòa đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Năm 2003, cô bắt đầu công tác tại Trường Mầm non Thanh Ninh, phụ trách lớp trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi. Đến năm 2012, sau khi lập gia đình, cô chuyển về Trường Mầm non Tân Đức.
Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, cô Hòa chia sẻ: Khi ấy, tôi còn thiếu kinh nghiệm nên gặp nhiều lúng túng khi tổ chức hoạt động cho trẻ; cách tạo hứng thú cho trẻ với các hoạt động của lớp học; dỗ các bé khóc đòi mẹ... Áp lực công việc khiến tôi từng nghĩ đến việc bỏ nghề. Thế nhưng nhờ tình yêu trẻ và sự động viên của đồng nghiệp, gia đình, tôi đã vượt qua.
Với tinh thần không ngừng học hỏi, cô Hòa thường xuyên dự giờ đồng nghiệp, tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn; đồng thời tự nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu mô hình giáo dục hiện đại qua sách báo và Internet để nâng cao nghiệp vụ.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, năng lực chuyên môn của cô Hòa ngày càng tốt hơn và được Ban Giám hiệu tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cô đã nhiều lần được tuyên dương trong các phong trào thi đua và đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện trong nhiều năm liền.
Hiểu được vai trò quan trọng của giáo viên mầm non trong việc hình thành nhân cách và trí tuệ trẻ nhỏ, cô Hòa luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm để ứng dụng vào giảng dạy, chăm sóc trẻ.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu của cô là “Tạo môi trường hoạt động cho trẻ mẫu giáo 4–5 tuổi theo hướng lấy trẻ làm trung tâm”. Sáng kiến này đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và áp dụng tại các lớp mẫu giáo trong toàn trường và các trường khác trên địa bàn huyện.
Theo đó, vào năm 2016-2017, khi phụ trách lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, cô nhận thấy nhiều trẻ còn rụt rè, thiếu hứng thú với hoạt động học tập. Trước thực tế trên, cô Hòa đã chủ động đề xuất sáng kiến trên với nhiều giải pháp thiết thực.
Cụ thể, trong lớp học, thay vì vẽ bức tranh cố định trên tường như trước đây, cô thiết kế lớp học với các góc hoạt động đa dạng, sử dụng hình ảnh ngộ nghĩnh và màu sắc sinh động để kích thích sự tò mò của trẻ. Đặc biệt, đồ dùng trong các góc hoạt động không cố định mà được thay đổi thường xuyên, kết hợp giữa sản phẩm do cô chuẩn bị và đồ thủ công trẻ tự làm.
Ngoài lớp học, môi trường vui chơi cũng được mở rộng tối đa với nhiều khu vực như: khu đồ chơi ngoài trời, góc giao thông, khu chơi với đất - cát - nước - đá, vườn hoa, vườn rau và thảm cỏ… Tất cả đều nhằm khơi gợi sự quan sát, tương tác tự nhiên của trẻ với thế giới xung quanh. Đồng thời, cô Hòa còn cùng học sinh sưu tầm nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để chế tạo thành đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, vừa sáng tạo, vừa thân thiện với môi trường.
Sau một năm thực hiện sáng kiến, kỹ năng hoạt động, khả năng sáng tạo của trẻ được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, tình trạng trẻ nhút nhát, thụ động không còn xuất hiện trong lớp học của cô.
Năm học 2023–2024, khi được phân công dạy lớp mẫu giáo 5–6 tuổi A1, cô Hòa nhận thấy nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mặt chữ, khả năng đọc và viết còn hạn chế. Do đó, cô đã chủ động nghiên cứu và xây dựng sáng kiến “Giải pháp giúp trẻ làm quen với việc đọc và viết để chuẩn bị vào lớp 1”. Các giải pháp tập trung về việc tạo ra một môi trường học tập giàu chữ viết, giúp trẻ tiếp xúc với con chữ một cách tự nhiên.
Theo đó, trong lớp học, cô Hòa gắn chữ viết lên giá, kệ ở các góc; dán tên của trẻ lên các vật dụng cá nhân, đồ dùng và đồ chơi. Đặc biệt, tại góc học tập, cô trang trí tranh ảnh sinh động và chuẩn bị các thẻ chữ rời với đa dạng kiểu chữ, nhằm giúp trẻ làm quen với các dạng chữ khác nhau. Ở môi trường ngoài lớp học, cô gắn tên các loại cây lên thân cây; thiết lập các bảng biểu, biển báo. Từ đó tạo điều kiện cho trẻ gặp gỡ và nhận diện chữ cái ở mọi không gian trong trường.
Song song với việc thiết kế không gian học tập, cô Hòa còn lồng ghép hoạt động rèn kỹ năng đọc - viết vào những trò chơi mang tính nhập vai tại các góc hoạt động. Ở góc thư viện, trẻ được hướng dẫn cách lựa chọn sách, cầm sách đúng cách, làm quen với mặt chữ qua hình ảnh minh họa. Tại góc phân vai, trẻ được học chữ qua trò chơi nhập vai như viết đơn thuốc khi đóng vai bác sĩ, ghi tên sản phẩm khi làm người bán hàng...
Thông qua sáng kiến này, trẻ không chỉ hứng thú tham gia hoạt động học mà còn tiến bộ rõ rệt về kỹ năng đọc và viết, tạo nền tảng vững chắc trước khi bước vào tiểu học.
Không chỉ dạy tốt, cô Hòa còn lan tỏa tinh thần sáng tạo đến đồng nghiệp, nhất là giáo viên trẻ. Trên cương vị là Tổ phó Tổ mẫu giáo, cô cùng Tổ trưởng chuyên môn thường xuyên dự giờ, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho đồng nghiệp.
Ngoài ra, cô cũng nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, đặc biệt là giáo viên trẻ phát triển năng lực chuyên môn. Khi được phân công phụ trách lớp cùng với các giáo viên trẻ, cô quan tâm hướng dẫn cách soạn bài, quy trình tổ chức các hoạt động để thu hút trẻ. Khi đồng nghiệp tham gia các cuộc thi, cô luôn tận tình hỗ trợ.
Cô Hòa cũng sẵn lòng đồng hành, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trong việc xây dựng và triển khai các sáng kiến giáo dục. Cô không chỉ tư vấn mà còn đồng hành từ khâu lên ý tưởng, khảo sát thực tế đến việc triển khai, đánh giá hiệu quả sáng kiến.
Nhờ đó, nhiều giáo viên trẻ đã mạnh dạn đề xuất, phát triển các ý tưởng mới phù hợp với thực tiễn lớp học. Không ít sáng kiến trong số đó đã được áp dụng hiệu quả và nhân rộng trong toàn trường, góp phần khơi dậy tinh thần đổi mới trong đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, sau khi được tham gia các khóa tập huấn phương pháp dạy học mới, cô Hòa luôn chủ động truyền đạt lại kiến thức cho tổ chuyên môn. Vì vậy, hoạt động sinh hoạt chuyên môn của Tổ luôn sôi nổi, cởi mở; giáo viên từng bước nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Với hơn 22 năm cống hiến, cô Nguyễn Thị Hòa đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tâm huyết với nghề của cô đã và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều giáo viên mầm non khác trong và ngoài Nhà trường.
TNĐT