Túi xách Hermès Birkin có khả năng tăng giá tại thị trường Mỹ. Ảnh minh họa: Guy Bell.
Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các thương hiệu xa xỉ châu Âu như Hermès, Fendi, Chanel, Gucci hay Dior đối mặt với sức ép tăng giá bán tại thị trường này.
Người tiêu dùng Mỹ có khả năng phải chi trả nhiều hơn cho những mẫu túi xách mang tính biểu tượng. Mức thuế lên đến 20% có thể được cộng vào giá sản phẩm, theo WWD.
Do người tiêu dùng xa xỉ không quá nhạy cảm về giá, mức thuế gia tăng có thể được các nhà mốt xa xỉ châu Âu cộng trực tiếp vào giá bán sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh minh họa: Luxity.
Túi xách xa xỉ có thể đội giá lên cao sau khi chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được áp dụng. Ảnh minh họa: Chanel.
Giá túi xách xa xỉ đội thêm hàng nghìn USD
Mức thuế nhập khẩu mới lên đến 20% khiến giá nhiều mẫu túi bán chạy có thể tăng đáng kể. Một chiếc Chanel Flap Bag loại nhỏ, da bê dập hạt màu đen, viền kim loại ánh vàng, hiện có giá 10.400 USD, có thể tăng lên 12.480 USD.
Hermès Birkin, dòng túi được đấu giá cao nhất thế giới, thường có giá khởi điểm 12.000 USD. Tuy nhiên, sau thuế, con số này có thể lên đến 14.400 USD.
Các thương hiệu khác cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Túi Fendi Baguette bằng vải denim họa tiết FF có thể tăng giá từ 3.490 USD lên 4.188 USD.
Mẫu Gucci Jackie kích thước trung bình tăng giá từ 4.800 USD lên 5.760 USD, trong khi Dior Saddle Bag da dê đen tăng từ 4.400 USD lên 5.280 USD. Mẫu Lady Dior cỡ trung cũng có khả năng chứng kiến mức tăng giá bán từ 6.500 USD lên 7.800 USD.
Theo các chuyên gia, mức thuế mới có thể được các doanh nghiệp thương lượng chia sẻ với hệ thống nhà bán lẻ tùy thuộc vào nguồn cung và cầu của từng sản phẩm. Tuy nhiên, trong thị trường hàng xa xỉ, toàn bộ gánh nặng về thuế quan sẽ được đẩy sang khách hàng.
“Phần lớn hoặc toàn bộ thuế có thể được tính vào giá bán cho người tiêu dùng,” giáo sư kinh tế Randall Holcombe (Đại học Florida State) nhận định với WWD.
Ông cũng cho biết: “Người mua hàng xa xỉ thường không quá nhạy cảm về giá. Vì thế, các thương hiệu có khả năng tính luôn thuế vào giá bán”.
Người tiêu dùng Mỹ có khả năng phải trả mức giá cao hơn cho các mẫu túi xách đến từ các thương hiệu thời trang danh tiếng ở châu Âu. Ảnh minh họa: HBO.
Doanh nghiệp ảnh hưởng thế nào?
Trong báo cáo ngày 3/4, Citi liệt kê các công ty thời trang có tỷ lệ doanh thu đến từ Mỹ cao nhất. Trong đó, LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Fendi, Givenchy, có tới 25% doanh thu đến từ thị trường Mỹ.
Kering, đại diện cho các nhãn hàng Gucci, Saint Laurent, Balenciaga, theo sau với 24%. Các thương hiệu ít phụ thuộc hơn gồm Moncler (13%), Swatch Group (15%), Prada Group (16%), Hermès (17%) và Burberry (19%).
Dù vậy, ông Holcombe cho rằng chính sách thuế mới sẽ không tác động nhiều đến mô hình kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ. “Nếu khách hàng không để tâm nhiều đến giá, doanh số sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Do đó, các thương hiệu cũng không cần điều chỉnh chiến lược”, ông nói.
Trong trường hợp EU đáp trả bằng các biện pháp thuế, kiểm soát và hạn chế đối với hàng hóa Mỹ, thị trường hàng xa xỉ vẫn có khả năng tránh tác động mạnh. Tuy nhiên, mối lo nằm ở việc người tiêu dùng quốc tế có thể tẩy chay hàng hóa Mỹ để phản đối chính sách thuế mới.
“Tại Canada, điều này đã xảy ra. Người dân nước này từ chối mua hàng Mỹ để thể hiện sự phản đối”, ông Holcombe cho biết.
Linh Vũ