Nhiều giải pháp trong công tác quản lý chuyên ngành
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, ngành Xây dựng Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý hạ tầng đô thị với nhiều giải pháp nổi bật.
Trung tâm điều hành, giúp giám sát và điều khiển thông minh hệ thống đèn tín hiệu giao thông của toàn thành phố.
Trung tâm điều khiển hệ thống điện chiếu sáng công cộng giúp tự động hóa vận hành, giám sát và giảm thiểu thao tác thủ công tại những tủ điện, nâng cao khả năng quản lý tập trung và truy xuất dữ liệu dễ dàng.
Hệ thống camera giám sát giao thông thông minh với 296 camera được trang bị phần mềm nhận dạng phương tiện, đo đếm lưu lượng, nhận diện biển số, giúp phát hiện nhanh hành vi vi phạm giao thông, hỗ trợ công tác quy hoạch, phân luồng giao thông.
Sở cũng đang triển khai dự án mở rộng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh trên hơn 200 nút giao thông, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Ngoài ra, hệ thống đèn tín hiệu giao thông (THGT) gồm 187 nút đèn và 172 cụm đèn cảnh báo cũng được kết nối về Trung tâm điều hành, giúp giám sát và điều khiển thông minh. Từ năm 2020, sở thí điểm giải pháp đếm lưu lượng giao thông tự động điều khiển đèn tại các nút giao thông trọng điểm, hướng tới mô hình "làn sóng xanh" trong tương lai.
Bên cạnh đó, nền tảng giám sát đỗ xe thuộc Đề án xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) đã được triển khai với các chức năng quản lý bãi đỗ xe, giám sát thông qua AI và cung cấp thông tin thông qua ứng dụng "Da Nang Parking", giúp người dân tra cứu thông tin tại 55 bãi đỗ và 334 tuyến đường cấm đậu, đỗ trên địa bàn thành phố.
Triển khai Hệ thống Quản lý hoạt động đường thủy, xây dựng website, ứng dụng mobile DaNang Smart City, trang bị hệ thống check-in, check-out và số hóa quy trình cấp phép cho tàu thuyền nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý.
Những giải pháp công nghệ này không chỉ hiện đại hóa hạ tầng đô thị mà còn góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, ngành cũng tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu số, số hóa các dữ liệu quan trọng như quy hoạch, cấp phép, quản lý dự án, chất lượng công trình… với hệ thống đồng bộ, thống nhất, có khả năng liên kết và chia sẻ giữa các cơ quan liên quan.
Đặc biệt, ngành sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến như: AI, GIS 3D, BIM, IoT, Big Data, VR/AR, Digital Twin vào thiết kế, thi công, giám sát đô thị, điều hành giao thông và quản lý công trình. Đây là nền tảng quan trọng giúp nâng cao chất lượng hạ tầng, tối ưu hóa quản lý và đảm bảo phát triển đô thị thông minh.
Với các định hướng trên, ngành Xây dựng Đà Nẵng kỳ vọng tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, vượt qua các thách thức hiện tại, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa quản lý đô thị, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.
Tiến tới tạo lập kho dữ liệu số ngành Xây dựng
Chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên ngành đã và đang được ngành Xây dựng Đà Nẵng đẩy mạnh tập trung vào việc số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL) và xây dựng hạ tầng giao thông thông minh.
Hệ thống CSDL về quy hoạch, hạ tầng giao thông, giấy phép hạ tầng kỹ thuật giao thông (HTGT), giấy phép thi công công trình cũng được số hóa để nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ngành cũng tiến hành thu thập và hệ thống hóa CSDL về các cá nhân, đơn vị hành nghề tư vấn, thi công công trình trên địa bàn thành phố, xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực để lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực thi công đảm bảo chất lượng.
Tạo lập kho dữ liệu số ngành Xây dựng sẽ giảm tải trong công tác lưu trữ hồ sơ.
Năm 2023, Sở Xây dựng triển khai xây dựng tài liệu đặc tả chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông, bao gồm danh mục CSDL chuyên ngành, dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ để kết nối với các cơ quan liên quan, tiến tới mở rộng trên toàn ngành và tạo lập Kho dữ liệu số ngành Xây dựng.
Ngành Xây dựng Đà Nẵng cũng từng bước xây dựng hệ thống CSDL GIS về hạ tầng kỹ thuật đô thị, hướng tới chuyển đổi số toàn diện trên nền bản đồ số, là nền tảng cho ý tưởng phát triển "Bản sao số" (Digital Twins) cho hạ tầng đô thị theo tinh thần đổi mới, sáng tạo của Nghị quyết 57-NQ/TW. Những bước tiến này đã góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng và tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho tất cả thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, gồm 98 dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.
Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 100%, trong đó, đến cuối tháng 4/2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 70,4% và dự kiến vượt 80% vào cuối quý II/2025, đáp ứng chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm 2025.
Ông Nguyễn Hà Nam chia sẻ, hiện nay, Sở Xây dựng là một trong hai đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình nâng cao với hơn 30.000 kết quả được cấp, trong đó có hơn 6.000 kết quả thực hiện trên hệ thống của thành phố.
Việc ứng dụng QRCode đã giúp số hóa dữ liệu, hỗ trợ kiểm tra, giám sát chặt chẽ các giấy phép, đồng thời mang lại tiện ích lớn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ công. Trong năm 2025, sở tiếp tục mở rộng triển khai thêm các thủ tục cấp phép khác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu Không gian đô thị và Quy hoạch thành phố trên hệ thống GIS được triển khai trên phần mềm web và ứng dụng di động tại địa chỉ https://thongtinquyhoachxaydung.danang.gov.vn nhằm cung cấp rộng rãi thông tin quy hoạch thành phố đến các đối tượng quan tâm.
Truy xuất thông tin quy hoạch phục vụ công tác chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, giảm các bước sao lục hồ sơ, cung cấp thông tin quy hoạch trong quá trình phối hợp với các ngành tổ chức, cá nhân được thực hiện trực tiếp, nhanh chóng.
Ngọc Long