Tôi đã từng tin rằng chỉ cần yêu nhau đủ lâu, chân thành đủ nhiều thì sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng không ngờ, người tôi yêu 3 năm, cưới chưa đầy 6 tháng lại khiến tôi rơi vào một cú sốc chưa từng tưởng tượng nổi – tôi phát hiện ra mình đang sống cùng một… “con nợ bất đắc dĩ”.
Chúng tôi yêu nhau 3 năm. Trong suốt thời gian đó, anh luôn là người trả tiền mỗi lần đi ăn, đi chơi, xem phim hay du lịch. Tôi từng ngỏ ý chia đôi nhưng anh chỉ cười bảo: “Mấy cái lặt vặt này mà không lo được cho em thì còn lo gì nữa?”. Tôi cảm động và tin rằng mình may mắn có được một người đàn ông vừa chu đáo, vừa ổn định tài chính.
Tôi đã rất yên tâm khi đồng ý bước vào hôn nhân với anh. Nhưng chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày cưới, mọi thứ sụp đổ. Khi cần sử dụng đến khoản tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng (gồm tiền mừng cưới, vàng cưới và tiền riêng của hai vợ chồng), tôi bàng hoàng phát hiện toàn bộ số tiền đã bị anh âm thầm mang đi… trả nợ.
Chưa dừng lại ở đó, tôi tiếp tục phát hiện anh còn đang gánh khoản nợ hơn 1 tỷ đồng ngoài xã hội. Số tiền đó, anh đã nợ từ hai năm trước – tức là trong suốt thời gian yêu tôi. Mỗi cuộc hẹn hò lãng mạn, mỗi món quà bất ngờ, mỗi lần “lo cho em”, đều được xây dựng từ tiền… vay mượn.
Ảnh minh họa
Hóa ra, tất cả chỉ là phông bạt. Ngay cả bữa ăn anh mời tôi, cốc trà sữa, chiếc túi sinh nhật, hay chuyến đi du lịch vài ngày cũng đều là tiền vay để giữ hình ảnh "đủ tiềm lực tài chính". Anh đã cố chứng minh rằng mình xứng đáng làm chồng tôi, và tôi thì đã tin thật.
Tôi còn phát hiện gia đình anh cũng đang nợ khoảng 5–6 tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ, mua bất động sản mà không lấy được sổ. Anh nói anh bị lừa, nhưng lúc này tôi không còn đủ niềm tin để tiếp tục nghe thêm bất kỳ lời giải thích nào nữa.
Sau tất cả, anh sống dựa vào lương của tôi và còn ngỏ ý muốn tôi… vay nhà ngoại để giúp anh trả nợ. Tôi rơi vào bế tắc. Tiếp tục thì mệt mỏi, mà rời bỏ thì thấy mình như kẻ phản bội. Nhưng rõ ràng, người bị lừa ở đây là tôi, không phải anh.
Tôi không cần giàu sang, chỉ mong một cuộc sống bình dị, hai vợ chồng cùng ăn cùng lo, vậy mà giờ lại thành con nợ. Nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến khoản nợ khổng lồ phía trước, tôi chỉ thấy uất nghẹn.
Sau chuyện của tôi, có 3 điều tôi ước gì mình đã làm trước khi cưới:
1. Thẳng thắn nói về thu nhập, nợ nần và tài sản cá nhân
Tôi từng nghĩ hỏi chuyện tiền bạc là thiếu tế nhị. Nhưng nếu tôi hỏi, có lẽ đã không rơi vào tình cảnh này. Tiền bạc không phải chuyện riêng của ai khi đã thành vợ chồng – đặc biệt là nợ.
2. Thỏa thuận trước cách quản lý tài chính sau cưới
Tôi không nghĩ chuyện anh giữ hết tiền mừng cưới sẽ thành vấn đề, vì nghĩ “tiền chung thôi mà”. Nhưng rõ ràng, nếu có sự thống nhất, ít nhất tôi đã không bị qua mặt dễ đến vậy.
3. Cùng lên kế hoạch tài chính rõ ràng
Kết hôn không chỉ là tình yêu. Đó còn là nhà cửa, con cái, lo cho cha mẹ, tiết kiệm, đầu tư. Nếu chúng tôi từng thật sự ngồi xuống vạch ra điều đó, có lẽ tôi đã nhận ra sớm hơn sự bất ổn đang được che giấu.
Giờ đây, tôi chỉ muốn gửi một lời nhắn đến những người sắp bước vào hôn nhân: Đừng ngại nói chuyện tiền bạc. Yêu thì có thể mù quáng, nhưng kết hôn thì nhất định phải tỉnh táo. Vì niềm tin có thể được xây bằng lời nói, nhưng hôn nhân lại sống bằng hiện thực – và tiền bạc là một phần không thể thiếu trong hiện thực đó.
Xuân Vũ (T/H)