Tương lai nước Mỹ được dự đoán qua tiểu thuyết thế nào?

Tương lai nước Mỹ được dự đoán qua tiểu thuyết thế nào?
13 giờ trướcBài gốc
Ở Washington, không ai có thể thấy được người thống trị thực sự, họ điều khiển quyền lực từ phía sau tấm bình phong.
Đại tá House, tên đầy đủ Edward Mandell House, Thẩm phán Tòa án Tối cao ở Mỹ, được Thống đốc bang Texas phong hàm Đại tá nhằm biểu dương cho những đóng góp của ông trong cuộc bầu cử của bang này.
House sinh ra trong một gia đình giàu có chuyên nghề ngân hàng ở bang Texas. Trong thời kỳ nội chiến Mỹ, Thomas, cha ông, là người đại diện của dòng họ Rothschild tại châu Âu. Thời trẻ, House học tập tại Anh, và cũng giống như rất nhiều ông chủ ngân hàng nước Mỹ thời kỳ đầu thế kỷ XX, House coi nước Anh như Tổ quốc mình, đồng thời sớm thiết lập và duy trì mối quan hệ mật thiết với giới ngân hàng Anh.
Năm 1912, House xuất bản một cuốn tiểu thuyết mang tên Philip Dru: Người quản lý - một cuốn sách về sau rất được các nhà sử học đón nhận và ưa thích. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông dựng nên một hình mẫu về một kẻ độc tài nhân từ nắm giữ quyền lực của cả hai đảng ở Mỹ, thành lập ngân hàng trung ương, thực thi chính sách thuế thu nhập lũy tiến liên bang, bãi bỏ thuế quan bảo hộ, xây dựng nên hệ thống an sinh xã hội, tổ chức một Liên minh Quốc tế (League of Nations).
Một thế giới tương lai được ông “dự đoán” trong cuốn sách này lại tương đồng một cách đáng kinh ngạc với tất cả những gì xảy ra ở nước Mỹ sau này, “khả năng dự báo” của ông quả thực đã vượt qua cả Keynes.
Thực ra, những tác phẩm mà cả Đại tá House và Keynes viết ra giống như một bản kế hoạch thực thi chính sách tương lai hơn là một ấn phẩm dự báo.
Ngay từ khi xuất bản, cuốn sách của Đại tá House đã thu hút rất nhiều sự chú ý của tầng lớp xã hội thượng lưu Mỹ, còn điều dự báo trong sách về tương lai của nước Mỹ lại đặc biệt trùng khớp với sự kỳ vọng của những ông chủ Ngân hàng quốc tế. Điều này khiến Đại tá House nhanh chóng trở thành “người cha đỡ đầu tinh thần” của giới tinh anh Mỹ.
Nước Mỹ là "giấc mơ" của nhiều công dân toàn cầu. Ảnh: Fox News.
Năm 1912, khi bàn về việc chọn ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, những người đứng đầu Đảng này cố tình bố trí để House “phỏng vấn” trực tiếp ứng cử viên Thomas Woodrow Wilson. Sau khi đến gặp House ở New York, hai người đã có một cuộc nói chuyện khá lâu và rất ý hợp tâm đầu.
Cuộc nói chuyện đó khiến Wilson phải thốt lên rằng: “Ngài House chính là hóa thân của tôi, là một bản sao thứ hai về chính con người tôi. Cả hai chúng tôi đều có suy nghĩ giống nhau tới mức thật khó phân biệt được. Và nếu là House, tôi sẽ làm mọi việc đúng theo cách nghĩ của ông ấy.”
Vậy là House đóng vai trò bắc cầu và thương thuyết giữa các chính trị gia với những ông chủ ngân hàng. Trước khi Wilson trúng cử, tại buổi tiệc do giới ngân hàng Phố Wall tổ chức, House đã đảm bảo với các ông chủ tài chính lớn rằng: “Con lừa [Đảng Dân chủ] mà Wilson đang cưỡi tuyệt đối sẽ không đá hậu trên đường...” khiến cho những đại gia như Schiff, Warburg, Morgan, Rockefeller đều gửi gắm hy vọng vào House tới mức Schiff còn ví House như Moses, còn mình và những ông chủ ngân hàng khác thì như Warren.
Tháng 11/1912, sau khi trúng cử Tổng thống, Wilson đến Bermuda để nghỉ ngơi. Trong thời gian này, ông đã đọc rất kỹ tác phẩm Philip Dru: Người quản lý của House. Sau đó, trong những năm 1913-1914, ông cho thi hành các chính sách cũng như ban bố những pháp lệnh mà hầu hết đều đúng như những gì House từng viết trong cuốn tiểu thuyết của mình.
Ngày 23/12/1913, Dự luật Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được thông qua. Schiff, ông chủ ngân hàng của Phố Wall, viết thư cho House nói rằng: “Tôi muốn nói: Xin cảm ơn ngài về sự cống hiến thầm lặng mà hiệu quả từ những điều ngài đã làm trong quá trình vận động để dự luật tiền tệ được thông qua lần này.”
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động
Nguồn Znews : https://znews.vn/tuong-lai-nuoc-my-duoc-du-doan-qua-tieu-thuyet-the-nao-post1546770.html