Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong nhiều nội dung mới, quan trọng của dự án Luật, nổi lên một vấn đề khiến các đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đó là người có tài năng, kinh nghiệm không cần thi tuyển công chức.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng với chính sách đưa người có tài năng, cán bộ chất lượng vào hệ thống cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện hoạt động công vụ.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt nhiều băn khoăn khi trong dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lại không có nội dung, tiêu chí, khung để xác định người có tài năng là người như thế nào?.
“Thực tế, rất khó để xác định, định hình người tài năng. Tôi vừa tham gia đoàn giám sát phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chúng tôi đã đi đến các đơn vị, địa phương trải dài cả nước, nhưng rất khó trong tiêu chí xác định nhân lực chất lượng cao. Do đó, đề nghị Luật cần phải xác định khung tiêu chí thế nào là người có tài năng, từ đó làm căn cứ để xác định những người có tài năng được tuyển dụng và phục vụ cho các cơ quan nhà nước”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói và cho rằng, tuyển dụng công chức với chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và có các cấp có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng. Tuy nhiên, trong dự án Luật này lại bỏ hết các quy định về tuyển dụng công chức từ trước đến nay. Những nội dung tuyển dụng gần như được lượng hóa, các tiêu chí tuyển dụng lại bỏ hết.
“Luật quy định rất chung chung, cần phải có tiêu chí cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong vấn đề tuyển dụng công chức. Tránh tình trạng lạm dụng vị trí, việc làm, cơ chế tuyển dụng dẫn đến tiêu cực”, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, cần phải làm rõ tiêu chí như thế nào là người tài năng khi tiếp nhận vào vị trí việc làm hoạt động công chức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, việc ký kết hợp đồng, thuê dài hạn đối với các cá nhân, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số hoạt động công chức nếu đưa vào Chương có tiêu đề tuyển dụng công chức là chưa phù hợp. Cần bố trí chỉnh lý ở nội dung khác thì phù hợp hơn.
Đại biểu đoàn tỉnh Hải Dương cũng cho biết: “Vị trí việc làm cần phải mô tả cụ thể công việc và khung năng lực. Từ trước đến nay, rất chung chung nên vị trí việc làm cũng bị xác định chung chung. Do vậy để đánh giá vị trí việc làm với ngạch bậc, đánh giá chất lượng công chức là rất khó khăn. Mặc dù dự thảo Luật lần này đã bổ sung điều có liên quan đến căn cứ đánh giá chất lượng công chức để làm cơ sở sàng lọc, lựa chọn cán bộ. Nhưng tôi cho rằng, nếu không xác định những tiêu chí rõ ràng thì rất khó khăn trong quá trình lựa chọn, sàng lọc. Cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch và định lượng được, đặc biệt ứng dụng trên công nghệ số và tiêu chí đánh giá mang tính tự động, tránh cái gọi là đánh giá chủ quan, cảm quan từ người lãnh đạo. Tất cả các tiêu chí xây dựng được phải dựa trên KPI”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng nhận định: “Cần phải có khung tiêu chí đánh giá thế nào là người có tài năng. Bởi lẽ, đối với công chức công vụ thường thực hiện theo các Luật định, quy định trong hệ thống công vụ từ Trung ương đến địa phương và ở đây ít có cơ hội để đột phá sáng tạo mà chỉ là việc thực thi công vụ. Do vậy, khi đề cập đến nội dung người tài năng cần phải có cách hiểu trong vấn đề này”.
Đại biểu Triệu Thế Hùng cũng phân tích: Luật là quy định nguyên tắc, còn trong quá trình thực hiện Luật, Chính phủ nên có quy định, tiêu chí cụ thể. Tiêu chí đánh giá càng rõ ràng, đối tượng được xác định càng rõ ràng thì càng thể hiện tính hiệu quả, minh bạch, đúng người đúng việc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đặng Thị Mỹ Hương.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đặng Thị Mỹ Hương cũng bày tỏ băn khoăn đối với định nghĩa như thế nào là người tài năng. Nữ đại biểu này đề nghị cần làm rõ thế nào là chính sách đặc biệt, người có tài năng phải đáp ứng tiêu chí như thế nào?.
Theo đại biểu Hoàng Trung Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, trong tờ trình Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu, người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm là không thể. Thực tế, việc đào tạo của các trường đại học hiện nay không đáp ứng được việc thực hành nên khi ra trường, cán bộ cần phải có thời gian mới có thể đáp ứng được yêu cầu việc làm. Do đó, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.
Đại biểu Hoàng Trung Dũng cũng bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề tuyển dụng công chức là sinh viên xuất sắc trong học tập rèn luyện. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết nhưng việc tiếp nhận ở nhiều tỉnh thành hết sức hạn chế. Do đó, đề nghị Bộ nội vụ báo cáo kết quả, làm rõ về vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Trung Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
“Để tạo thương hiệu cho nhà trường, rất nhiều trường đại học có tỷ lệ sinh viên xuất sắc ra trường quá cao. Do đó cần quy định chặt chẽ hơn trong việc giáo dục, đào tạo tại trường”, đại biểu Hoàng Trung Dũng thẳng thắn nêu thực trạng và đề nghị cần quan tâm hơn nữa đối với chính sách đãi ngộ công chức vì thực tế hiện nay, nhiều sinh viên xuất sắc ra trường thường sẽ ưu tiên lựa chọn làm việc ở doanh nghiệp vì thu nhập cao, còn lương và chính sách đãi ngộ đối với công chức nhà nước là chưa đáp ứng.
Thiên Tuấn