Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Việc thí điểm tuyển dụng này được áp dụng cho cơ sở giáo dục công lập cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng nguồn tuyển, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về trình độ chuẩn đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019.
Đồng thời, việc này cũng sẽ khắc phục một phần tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương, qua đó, dần bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn học đặc thù. Bên cạnh đó, chính sách này cũng sẽ khuyến khích, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo tham gia vào ngành giáo dục.
Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Giải pháp tốt, giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngành giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Ngũ, Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Mặc dù việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu để thúc đẩy chất lượng giáo dục; song, trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phải bổ sung đầy đủ và kịp thời số lượng giáo viên đứng lớp.
Chính vì vậy, việc thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng với các môn như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật là giải pháp hữu hiệu. Điều này là hoàn toàn phù hợp với sự tăng dân số cơ học tại địa phương; đồng thời, tạo điều kiện cho việc thực hiện hiệu quả công tác giảng dạy các môn học trên”.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lý giải việc tuyển dụng giáo viên cao đẳng tại một số môn học còn thiếu nhân lực là giải pháp quan trọng khi nguồn tuyển giáo viên trình độ đại học ở các môn học này còn đang hạn chế.
“Khó tuyển giáo viên trình độ đại học cho các môn Tiếng Anh, Tin học và Nghệ thuật phần lớn xuất phát từ việc các ứng viên tốt nghiệp các chuyên ngành phù hợp thường có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn hơn.
Chính vì vậy, nhiều sinh viên nhận thấy cơ hội kiếm thu nhập từ các hoạt động tự do hoặc kinh doanh cá nhân không những đa dạng, mà còn mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với mức lương trung bình của một giáo viên. Thêm vào đó, các ngành nghề ở khu vực tư nhân thường có môi trường làm việc năng động hơn, có nhiều cơ hội và nhiều chính sách khuyến khích sự sáng tạo, khiến cho các ứng viên có trình độ đại học thiên về lựa chọn con đường này thay vì con đường giảng dạy tại các trường công lập.
Kết quả là, một bộ phận sinh viên tốt nghiệp các ngành này sẽ không có xu hướng lựa chọn nghề giáo, đặc biệt tại môi trường công lập. Chính vì vậy, việc thí điểm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng sẽ giải quyết vấn đề ở giai đoạn chuyển tiếp như hiện nay; còn về lâu về dài, cần có những chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn như tăng lương, cải thiện chế độ đãi ngộ và xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cụ thể cho các nhà giáo” - cô Liên giải thích.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng thí điểm tuyển dụng giáo viên cao đẳng cho một số môn học còn thiếu giáo viên là một giải pháp tốt, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngành giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Cường, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nhân lực, các cơ quan quản lý và ban giám hiệu nhà trường cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng và tập huấn liên tục cho đội ngũ nhà giáo.
“Mỗi giáo viên sau khi được tuyển dụng, cần được trang bị đầy đủ các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, từ việc nắm vững kiến thức môn học cho đến khả năng ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại trong bối cảnh hội nhập số.
Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ phải làm quen với chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn phải học cách soạn thảo kế hoạch bài giảng một cách sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Ngoài ra, các giáo viên cũng cần chú trọng nâng chuẩn trình độ theo đúng lộ trình trong khoảng thời gian nhất định theo quy định. Việc này giúp nhà giáo có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đúng kỳ hạn” - thầy Cường đánh giá.
Để đạt được điều đó, thầy Cường nhấn mạnh, nhà trường cần xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ đào tạo chuyên môn một cách bài bản. “Điều này không chỉ giúp các giáo viên nhanh chóng bắt kịp nội dung giảng dạy mới, mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao, trao đổi kinh nghiệm với những nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm. Các chương trình này cần được triển khai đồng bộ và công bằng, đảm bảo rằng, không có sự phân biệt đối xử nào dựa trên trình độ học vấn hay kinh nghiệm làm việc” - vị hiệu trưởng bày tỏ.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Đồng bộ giữa tuyển dụng và bồi dưỡng là chìa khóa xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng
Chia sẻ về chất lượng giảng dạy của giáo viên, thầy Phạm Văn Ngũ cho rằng, bên cạnh những chính sách bồi dưỡng nâng chuẩn, các giáo viên có trình độ cao đẳng cũng như các giáo viên khác, cũng phải có ý thức tự trau dồi, nâng cao nghiệp vụ để theo sát chương trình.
“Công tác bồi dưỡng chuyên môn liên tục phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các chương trình đào tạo định kỳ, tập huấn chuyên môn và các khóa đào tạo nâng cao năng lực không chỉ giúp giáo viên nắm vững các phương pháp giảng dạy hiện đại, mà còn tạo điều kiện cho thầy cô linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong chương trình học và yêu cầu của học sinh. Đồng thời, việc phát triển kỹ năng tự học và tự nâng cao trình độ của giáo viên càng trở nên cần thiết, khi mỗi cá nhân cần không ngừng hoàn thiện mình để theo kịp với sự phát triển của ngành giáo dục.
Qua đó, ngành giáo dục không chỉ giải quyết được nhu cầu ngắn hạn về nhân lực, mà còn hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Sự đồng bộ giữa tuyển dụng và bồi dưỡng chính là chìa khóa để xây dựng một đội ngũ giáo viên chất lượng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đổi mới của hệ thống giáo dục” - thầy Ngũ chia sẻ.
Thầy Phạm Văn Ngũ, Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định). Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, theo Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giao Thủy, quy trình tuyển dụng cũng cần đổi mới để phù hợp hơn với nhóm đối tượng giáo viên có trình độ cao đẳng, đặc biệt là việc quy định thi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ theo hình thức thực hành.
“Nếu tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng chỉ dựa vào các bài thi nặng lý thuyết thì sẽ khó đánh giá đúng năng lực thực tiễn của ứng viên. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng giảng dạy thực sự, cần có một bài thi thực hành nhằm đánh giá khả năng sư phạm cũng như tình huống trên lớp. Cách tiếp cận này sẽ giúp cấp quản lý chọn lọc được đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại Thái Bình lại nhìn nhận: “Mặc dù tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng có thể được xem là một trong những giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên đang tồn tại ở các địa phương; song, cũng có không ít người đã bỏ nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm khác do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, điều kiện làm việc không thuận lợi hoặc do các yếu tố kinh tế - xã hội.
Sự chuyển hướng này không chỉ tác động đến chất lượng giảng dạy hiện tại, mà còn phần nào thu hẹp nguồn cung giáo viên trình độ cao đẳng trong tương lai, nhất là khi việc đào tạo các nhân lực các ngành phù hợp để giảng dạy môn đặc thù chưa đáp ứng được nhu cầu.
Từ những quan sát đó, tôi đề xuất, cần có một giải pháp chiến lược nhằm “đặt hàng” đối tượng giáo viên trình độ cao đẳng từ sớm tại các cơ sở giáo dục đào tạo liên quan trong giai đoạn triển khai việc thí điểm.
Việc này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo ra một lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho các ứng viên ngay từ giai đoạn học tập. Thông qua việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và nhà trường, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống liên kết vững chắc, nơi các em được trang bị kiến thức chuyên sâu cùng các kỹ năng thực tiễn cần thiết. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình đào tạo liên thông, hỗ trợ sau tuyển dụng và xây dựng các chính sách ưu đãi thiết thực”.
Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này, sau khi được tuyển dụng, các giáo viên trình độ cao đẳng nên có khoảng thời gian tập sự dài hơn quy định hiện tại: “Do giáo viên cao đẳng có xuất phát điểm thấp hơn về mặt trình độ, thời gian tập sự nên có các nội dung bổ trợ về chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại. Một lộ trình tập sự từ 12-18 tháng có thể hợp lý, trong đó bao gồm các giai đoạn:
3-6 tháng đầu: Học tập và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình giáo dục hiện hành.
6-12 tháng tiếp theo: Thực hành giảng dạy có hướng dẫn, được đánh giá định kỳ bởi tổ chuyên môn.
Kết thúc tập sự: Đánh giá tổng hợp dựa trên kết quả giảng dạy và phản hồi từ học sinh, đồng nghiệp”.
Tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nêu:
Điều 4. Tổ chức tuyển dụng, chế độ chính sách đối với giáo viên có trình độ cao đẳng
1. Việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.
2. Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự theo quy định thì được giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học.
3. Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030.
4. Giáo viên được tuyển dụng theo quy định tại Nghị quyết này được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật.
Anh Tú