Triển khai Quy hoạch để nâng cấp TP.HCM thành một siêu đô thị đúng nghĩa
“Chuyển đổi kép” - Lời giải cho bài toán tăng trưởng hai con số
Động lực mới cho vị thế đầu tàu
Khởi nguồn hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại
Sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công cùng với sự cố gắng nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tuyến tàu điện đầu tiên của TP. HCM dài gần 20 km, tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng đã chính thức vận hành.
Đi vào hoạt động từ 22/12/2024 đến ngày 23/3/2025, metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã phục vụ hơn 6,2 triệu lượt hành khách, cho thấy sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Cùng với những đồ án đã có, trên cơ sở Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355 km. Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155 km, nâng tổng chiều dài metro lên 510 km.
Metro không chỉ là phương tiện, mà còn là trục sống kết nối toàn bộ không gian đô thị TP. HCM. Ảnh: TL
Đến năm 2035, loại hình này sẽ đảm nhận 40-50% thị phần vận tải hành khách công cộng, tăng lên 50-60% vào 10 năm sau đó, được xem là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông TP. HCM.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được bày tỏ, metro số 1 không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của TP. HCM mà còn là sự khởi nguồn hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Theo ông Được, TP. HCM với hơn 10 triệu dân thì việc phát triển giao thông công cộng như đường sắt đô thị kết hợp với phát triển mô hình TOD (Transit Oriented Development) - mô hình phát triển đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng, là yêu cầu bức thiết.
Từ kinh nghiệm triển khai metro tại TP. HCM kết hợp quan sát hai dự án metro tại Hà Nội, Phó Chủ tịch TP. HCM Bùi Xuân Cường nhận ra “không thể triển khai metro theo cách làm cũ. Cần một cơ chế đặc thù cho những siêu dự án thế này”. Theo ông, nếu được giao thẩm quyền, địa phương có thể chủ động hơn và tăng cường vai trò của các đơn vị trực tiếp thực hiện dự án. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, cần có khung chính sách đặc thù dành riêng cho các dự án đường sắt đô thị, nếu không, những chậm trễ sẽ tiếp tục lặp lại.
TOD – “chìa khóa vàng” vươn tầm siêu đô thị
Dưới góc nhìn của TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, vài chục năm qua, TP. HCM đã phát triển mạnh mẽ hệ thống nhà cao tầng, trở thành một siêu đô thị. Tuy nhiên, phải đến hiện tại, thành phố mới bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, bài bản, tương xứng với vị thế của một đô thị lớn tầm cỡ quốc tế. Theo ông, TOD là hướng đi phù hợp và tất yếu.
TOD là mô hình phát triển đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đặc biệt là metro và xe buýt nhanh. Chỉ tính riêng metro, mỗi ngày có thể vận chuyển hàng triệu lượt người, tương đương với việc loại bỏ hàng triệu chiếc xe máy khỏi mặt đường, từ đó giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây chính là một trong những lợi ích quan trọng góp phần vào phát triển đô thị bền vững.
Metro dần trở thành phương tiện đi lại quen thuộc của người dân TP. HCM.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, theo ông Sơn, cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng quy hoạch TOD một cách bài bản – như cách “mài rìu cho thật sắc trước khi chặt cây”. Ông dẫn chứng thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi đã phát triển hàng chục tuyến metro chỉ trong vài năm nhờ vào quy trình chuẩn và sự quyết tâm cao độ trong thực hiện quy hoạch đồng bộ.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả không thể chỉ dựa vào metro, mà cần có sự tổ chức đa dạng, gồm cả đường sắt tốc độ cao, monorail, tramway, xe buýt và buýt đường sông. Điều quan trọng là tất cả các phương tiện này phải được kết nối thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, giúp người dân di chuyển thuận tiện giữa các khu vực trong thành phố. Khi mỗi phương tiện công cộng được tích hợp với hệ thống metro xuyên tâm, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn hơn trong quá trình di chuyển.
Cùng với đó, việc xây dựng không gian ngầm đi kèm hệ thống metro là một thách thức không nhỏ, nhất là khi Việt Nam chưa có nhiều tiền lệ. Theo vị chuyên gia, để phát huy tối đa hiệu quả của metro và không gian ngầm, các công trình cao tầng xung quanh cần có sự kết nối thông minh với các ga metro. Các khu như Sài Gòn Center, Thương xá Tax hay các tháp đôi trước chợ Bến Thành nên tích hợp hệ thống không gian thông tầng, kết nối trực tiếp với hệ thống metro. Một không gian ngầm được quy hoạch đồng bộ sẽ làm tăng giá trị đầu tư và trở thành lực hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.
Song, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, khung pháp lý hiện vẫn chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho mô hình TOD, tạo ra nhiều điểm nghẽn trong quá trình triển khai. Vì vậy, ông cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách, như một tập đoàn đường sắt gắn với phát triển TOD nhằm kết nối các sở, ban, ngành và xây dựng quy trình chuẩn từ pháp lý, kỹ thuật đến vận hành, quản lý.
Cùng với đó, dù Nghị quyết 98 đã cho phép TP. HCM có cơ chế đặc thù để thực hiện TOD và metro, nhưng đây mới chỉ là định hướng chiến lược. Để biến chiến lược thành hành động cụ thể, các sở ngành cần rà soát lại những điểm nghẽn trong suốt 20 năm qua và đề xuất một bản kiến nghị tổng hợp trình lên Trung ương. Tất cả các bộ luật có liên quan cũng cần được điều chỉnh theo tinh thần đó, nếu không, quá trình thực hiện sẽ tiếp tục gặp bế tắc.
Hình dung bức tranh trong 20-30 năm tới, khi quanh các nhà ga metro sẽ là những khu đô thị đầy đủ chức năng – nơi người dân có thể sống, học tập, làm việc, giải trí trong phạm vi tiện lợi, chỉ cần đi bộ vài phút để tiếp cận metro, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng sẽ đưa TP. HCM sánh ngang với các đô thị hiện đại như Paris, New York hay Tokyo.
Đây không chỉ là mục tiêu giao thông, mà còn là một bước tiến lớn trong hành trình xây dựng nền kinh tế hiện đại và bền vững. “Kế hoạch tham vọng này rất khó, nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta”, ông Sơn nhấn mạnh TOD chính là chìa khóa để TP. HCM bứt phá, vươn mình.
Kỳ Hoa