Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của 28 trường THPT công lập năm học 2025 - 2026. Vấn đề đang được dư luận quan tâm là một số trường vốn được xem là tốp đầu lại có điểm chuẩn rất thấp. Tuy nhiên, ngành đã đánh giá tổng thể, vì thực tế số thí sinh xét tuyển với mức điểm thấp ở các trường này chỉ là thiểu số.
Bất ngờ ở các trường tốp đầu
Trường THPT Lý Tự Trọng (phường Nha Trang) là trường THPT thuộc tốp đầu của tỉnh, hầu hết mọi năm đều đứng đầu về điểm chuẩn vào lớp 10 trong số các trường THPT đại trà. Tuy nhiên, năm nay, trường này lại có điểm chuẩn rất thấp là 9 điểm (trung bình 3 điểm/môn). Các trường có tiếng khác cũng có điểm chuẩn thấp như: THPT Nguyễn Văn Trỗi (phường Nha Trang) chỉ có điểm chuẩn 11,5 điểm; THPT Nguyễn Trãi (phường Ninh Hòa) 8,5 điểm; THPT Phan Bội Châu (phường Cam Ranh) 11 điểm... Trong khi đó, trường có điểm chuẩn (nguyện vọng 1) cao nhất là THPT Hà Huy Tập (phường Tây Nha Trang) 16,25 điểm, tiếp đó là THPT Phạm Văn Đồng (phường Nha Trang) 16 điểm, THPT Hoàng Văn Thụ (phường Bắc Nha Trang) 15,25 điểm.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.
Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, sở dĩ các trường tốp đầu có điểm chuẩn thấp là do số lượng đăng ký dự tuyển thấp hơn so với chỉ tiêu. Cụ thể, Trường THPT Lý Tự Trọng có 675 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chỉ có 621 thí sinh tham gia dự tuyển (trong đó có 8 thí sinh được tuyển thẳng, 446 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 trực tiếp tại trường, 167 thí sinh đăng ký dự thi Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nhưng không trúng tuyển trường chuyên có nguyện vọng 1 xét tuyển vào Trường THPT Lý Tự Trọng). Cùng chỉ tiêu, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chỉ có 619 thí sinh dự tuyển. Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ có 436 thí sinh dự tuyển trong khi chỉ tiêu là 450. Trường THPT Phan Bội Châu chỉ có 371 thí sinh dự tuyển trên tổng số 405 chỉ tiêu.
Trái ngược với các trường nêu trên, một số trường có điểm chuẩn cao do số học sinh đăng ký dự tuyển đông như: THPT Phạm Văn Đồng (770 thí sinh/585 chỉ tiêu); THPT Hoàng Văn Thụ (882 thí sinh/585 chỉ tiêu); THPT Hà Huy Tập (799 thí sinh/495 chỉ tiêu)… Một số thí sinh chỉ thiếu ít điểm để đậu các trường này không khỏi tiếc nuối vì số điểm đó đủ để đậu vào các trường tốp trên. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian đăng ký dự tuyển, một số thí sinh bỏ trống không đăng ký nguyện vọng 2 vì cho rằng các trường tốp đầu sẽ lấy điểm cao, khó có cơ hội xét đến nguyện vọng 2. Trong khi đó, quy chế cho phép một trường xét tới 30% chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 để thí sinh có thêm cơ hội đậu vào trường công lập. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường tốp đầu tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, phải tuyển một vài em điểm thấp.
Cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện
Sau khi điểm chuẩn được công bố, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về chất lượng đầu vào cấp THPT nói chung và một số trường nói riêng. Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, điểm chuẩn chỉ là một yếu tố tham khảo, không phải là thước đo duy nhất đánh giá chất lượng đầu vào của một trường. Phụ huynh và học sinh cần nhìn vào bức tranh phổ điểm tổng thể. Năm nay, tỷ lệ bài thi vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh đạt điểm từ trung bình trở lên vẫn ở mức khả quan so với mọi năm, trong đó môn Ngữ văn hơn 83,1%, môn Toán hơn 70,4%, môn Tiếng Anh 52,6%.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.
Xét về phổ điểm, Trường THPT Lý Tự Trọng vẫn dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt điểm cao. Mức điểm xét tuyển cao nhất của trường này là 28,5 điểm (2 em). Ở mức 24 đến 28,25 điểm, trường có 440 em; từ 21 đến 23,75 điểm có 150 em. Mức 9 điểm chỉ có 1 em; điểm kế tiếp là 13 điểm, 14 điểm, 15,25 điểm,... mỗi mức cũng chỉ có 1 em.
Đối với Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất là 28 điểm; mức điểm từ 24 đến 27,5 có 147 em; từ 21 đến 23,75 điểm có 267 em; mức điểm 11,5 đến 15 điểm chỉ có vài em. Còn ở Trường THPT Nguyễn Trãi, mức điểm xét tuyển cao nhất là 27,75 điểm (4 em); mức từ 24 đến 27,5 điểm có 108 em; mức từ 21 đến 23,75 điểm có 133 em; mức từ 8,5 đến 15 điểm chỉ có vài em...
Trao đổi với phóng viên về một số ý kiến cho rằng nên quy định mức điểm sàn đối với một số trường thuộc tốp đầu nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, ông Đỗ Hữu Quỳnh cho rằng: “Năm nay, cách thức xét tuyển về cơ bản vẫn giữ nguyên, việc trường tốp đầu có điểm chuẩn thấp hơn một vài trường đã từng diễn ra ở một vài năm học trước, khi thí sinh lo ngại cạnh tranh với nhiều học sinh giỏi đã né đăng ký các trường này. Song tình trạng điểm chuẩn thấp bất thường và thấp hơn nhiều trường là điều đáng lưu ý. Dù vậy, việc đưa ra mức điểm sàn ở một vài trường cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên việc theo dõi, khảo sát, phân tích số liệu cụ thể và xin ý kiến UBND tỉnh trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào”.
Đối với một số trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, số lượng đăng ký dự tuyển ít hơn so với chỉ tiêu là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, điểm chuẩn các trường này hằng năm đều nằm trong tốp cuối. Năm nay, Trường THPT Nguyễn Du (xã Bắc Ninh Hòa) dù lấy điểm chuẩn thấp nhất tỉnh là 5 điểm nhưng vẫn còn thiếu 44 học sinh so với chỉ tiêu; Trường THPT Tô Văn Ơn (xã Tu Bông) điểm chuẩn 6,5 điểm nhưng vẫn thiếu 13 học sinh; Trường THPT Tôn Đức Thắng (xã Nam Ninh Hòa) điểm chuẩn 6,5 điểm nhưng vẫn thiếu 31 học sinh...
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở không đưa ra phương án tuyển bổ sung cho một số trường còn thiếu chỉ tiêu. Việc một số trường thiếu vài chục học sinh không ảnh hưởng đáng kể đến việc sắp xếp lớp và tổ chức dạy học, bởi sĩ số trung bình mỗi lớp chỉ giảm từ 1 đến 3 em (theo quy định, sĩ số tối đa không vượt quá 45 học sinh/lớp). Trong trường hợp học sinh từ tỉnh Ninh Thuận cũ theo cha mẹ chuyển đến công tác tại các phường: Nha Trang, Bắc Nha Trang, Nam Nha Trang, Tây Nha Trang có nhu cầu đăng ký nhập học tại trường thuộc các phường này thì trường sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp nhận.
H.NGÂN