Nghĩ xa hơn về đầu vào THPT công lập

Nghĩ xa hơn về đầu vào THPT công lập
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm học mới. Ở Hà Nội, một con số giật mình: hơn 90 trường có mức điểm trung bình môn giảm so với năm ngoái. Chênh lệch giữa trường có điểm chuẩn cao nhất với trường thấp nhất cách xa nhau tới 15,5 điểm. Hai trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất là Trường THPT Kim Liên và Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông): 25,50. Còn ở TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất là Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa: 24,5 điểm, kế đó là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: 23,75 điểm.
Về độ giảm sâu, nhiều trường có mức điểm chuẩn giảm tới 8,5 điểm so với năm học trước, cá biệt có trường (khu vực ngoại thành) lấy điểm chuẩn là 10, tức trung bình thí sinh đạt 3,33 điểm/môn đã có thể ung dung vào lớp 10. Đây là chuyện bất thường. Cần phải xem xét lại việc quy hoạch và đầu tư giáo dục.
Việc chênh lệch điểm chuẩn giữa trường cao nhất và thấp nhất lên tới 15,5 điểm là chuyện xưa nay hiếm. Ở đây có sự mất cân đối nghiêm trọng về chất lượng và uy tín giữa các trường công lập, mà lẽ ra đều phải được bảo đảm tương đối đồng đều. Điều này dẫn tới hệ lụy, học sinh giỏi tập trung quá đông vào một vài trường uy tín nổi trội, gây áp lực tuyển sinh. Trong khi đó nhiều trường thiếu học sinh, thậm chí tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dù điểm chuẩn “sát đất”.
Khi điểm chuẩn giảm sâu phản ánh điều gì? Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, việc hàng trăm trường có điểm chuẩn giảm, trong đó có những trường giảm tới 8,5 điểm, không chỉ là con số thống kê đơn thuần mà rất có thể đây là hệ quả của nhiều vấn đề gốc rễ. Có thể là, kỳ thi đã có sự điều chỉnh về cấu trúc đề hoặc cách chấm khiến phổ điểm thấp. Các trường top giữa và top thấp đang mất dần sức hút do không có chiến lược phát triển rõ ràng hoặc bị so sánh quá khắt khe với trường top.
Qua đây chúng ta cần xem xét việc quy hoạch trường lớp. Hiện có quá nhiều trường THPT công lập không phù hợp với nhu cầu thực tế, hay chất lượng đào tạo không còn được bảo đảm. Ngành giáo dục đã nhiều lần nêu các phương án về việc phân bố lại hệ thống trường THPT sao cho hợp lý hơn về mặt địa lý, dân số, và nhu cầu học tập; đầu tư chiều sâu cho các trường chưa đạt chuẩn, thay vì chỉ duy trì “số lượng”; xem lại cách tổ chức tuyển sinh, đặc biệt là mô hình thi tuyển 3 môn truyền thống, liệu có còn phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch điểm thi đầu vào vẫn “muôn năm cũ”.
Trước sự việc có trường chỉ lấy 10 điểm tổng 3 môn học để trúng tuyển không phải là một tiếng thở phào nhẹ nhõm cho phụ huynh mà nó sẽ tạo nên tâm lý bất ổn. Như vậy chất lượng học sinh vào lớp 10 đang đi xuống, hay do sự sàng lọc của hệ thống đang gặp vấn đề ? Tình trạng trường học chỉ là nơi để có chỗ học, còn chất lượng là việc của xã hội sẽ dẫn đến việc cho ra lò những sản phẩm chất lượng thấp, và người thiệt thòi nhất vẫn là học sinh.
Đó là ở các thành phố lớn, ở các địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa, nếu không có chính sách mạnh tay để đầu tư cho giáo dục thì hệ thống giáo dục công lập sẽ ngày càng phân tầng sâu hơn. Sự “mạnh tay” không chỉ là khẩu hiệu, mà phải là những hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng, đủ sức tác động đến cấu trúc hệ thống. Nếu không, phân tầng trong giáo dục công lập sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn đến bất bình đẳng cơ hội.
Chúng tôi nghĩ rằng, cần phân bổ lại nguồn lực theo hướng “ưu tiên ngược dòng”, nói giản dị là, tăng đầu tư ngân sách cho các trường ở khu vực khó khăn, vùng xa trung tâm, miền núi, hải đảo. Không chỉ miễn hoàn toàn học phí cho học sinh vùng khó, mà còn tăng mức hỗ trợ giáo viên về lương, phụ cấp, và điều kiện làm việc.
Một giải pháp cụ thể là, tái thiết kế kỳ thi tuyển sinh, hạn chế cuộc đua đổ dồn vào “trường hot”. Nên chăng chuyển từ thi tuyển đơn thuần sang mô hình kết hợp xét tuyển + thi tuyển + đánh giá năng lực toàn diện, giống như một số nước tiên tiến đã làm. Thậm chí, mạnh dạn hơn, có thể bỏ kì thi tuyển sinh lớp 10 để giảm gánh nặng về tài chính cho người dân và tránh sự phân hóa về trình độ học sinh giữa các khu vực.
Một giải pháp truyền thống là “kéo giãn sĩ số”, tìm cách giới hạn tuyển sinh ở trường chất lượng cao. Các trường “hot” nên có giới hạn tuyển sinh chặt chẽ, không mở rộng quy mô tùy tiện, để học sinh không nghĩ rằng cứ cố chen vào là học tốt hơn. Đồng thời, đầu tư xây dựng mô hình “trường vệ tinh”, tức là những trường lân cận có điều kiện học tập ngang ngửa, được hỗ trợ giáo viên, thiết bị và quản lý chất lượng từ trường trung tâm.
Nhân sự kiện tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, nên chăng có cuộc tổng điều tra, xoát xét lại các trường THPT công lập, tái cấu trúc mạng lưới trường công lập, sáp nhập hoặc chuyển đổi. Tạo mô hình trường công lập tự chủ, có cơ chế quản trị linh hoạt và quyền tự quyết tài chính, nhân sự. Với những trường quá yếu, tuyển sinh không đủ, cần dũng cảm sáp nhập hoặc chuyển đổi chức năng, như chuyển thành trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề, hoặc trường bán công, các mô hình đặc thù khác.
“Chính sách mạnh tay” là như thế. Ở đây không phải chỉ là bơm thêm tiền, mà là dám thay đổi tư duy, thay đổi cấu trúc, dám phân cấp, phân quyền, dám bỏ cũ làm mới. Càng trì hoãn, hệ thống càng phân tầng, và hậu quả dài hạn sẽ là, gây bất bình đẳng giáo dục trở thành bất bình đẳng xã hội, người dân mất niềm tin vào hệ thống công lập, vốn là nền tảng công bằng xã hội.
Hải Đường
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/nghi-xa-hon-ve-dau-vao-thpt-cong-lap-729769.html