Tuyển sinh Sư phạm KHTN dùng cả tổ hợp có Văn, Sử: Lo ngại chất lượng đào tạo GV

Tuyển sinh Sư phạm KHTN dùng cả tổ hợp có Văn, Sử: Lo ngại chất lượng đào tạo GV
một ngày trướcBài gốc
Việc một số cơ sở giáo dục đại học đưa cả các tổ hợp chứa môn Văn, Sử hoặc Anh vào xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận.
Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Lý do đưa môn Sử vào tổ hợp xét tuyển Sư phạm Khoa học tự nhiên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mện - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Năm nay, trường dự kiến tăng một số chỉ tiêu do mở thêm 3 ngành (Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ nông nghiệp số, Sư phạm Lịch sử - Địa lý). Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; còn ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đã được tuyển sinh từ năm 2024, với 30 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh đạt 100%”.
Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến lấy 6 tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên như sau: A00 (Toán, Lý, Hóa); A02 (Toán, Lý, Sinh); A01 (Toán, Lý, Anh); C01 (Toán, Lý, Văn); A03 (Toán, Lý, Sử) và B00 (Toán, Hóa, Sinh).
Thông tin tuyển sinh về các ngành dự kiến tuyển sinh năm 2025 trên website Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh chụp màn hình.
Chia sẻ về lý do lựa chọn các tổ hợp trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mện cho biết, đó là những tổ hợp dự kiến cho năm tuyển sinh 2025, bởi có nhiều sự thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và quy chế tuyển sinh đại học.
“Nhà trường mong muốn mở rộng các tổ hợp xét tuyển, nhằm tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho các thí sinh, tuy nhiên đó mới chỉ là thông tin dự kiến chứ chưa phải thông tin chính thức của nhà trường” - thầy Mện nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mện cũng cho rằng: “Đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên, thực tế, thí sinh chỉ cần giỏi Toán và Lý là đã có thể học tốt khối ngành này, môn Lý là bộ phận khó nhất trong nhóm khoa học tự nhiên và Toán là tư duy logic. Cho nên, nhà trường lấy 2 môn đó làm “nòng cốt” để xét tuyển”.
Trước một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc “Sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp sẽ phải đảm nhiệm dạy cả Lý, Hóa, Sinh, mà khi tuyển sinh lại “bỏ qua” điểm xét tuyển của 2 trong 3 môn, liệu có gây nhiều khó khăn trong công tác đào tạo và có đảm bảo chất lượng?”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mện cho hay: “Tất nhiên, cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, như đã chia sẻ trước đó, khi các thí sinh đã giỏi Toán và Lý, thì việc tiếp cận các kiến thức về Hóa và Sinh trong chương trình đào tạo của nhà trường sẽ không còn khó khăn nữa.
Tất nhiên, nếu có thể tuyển sinh theo tổ hợp có 3 môn Lý, Hóa, Sinh, sẽ là rất tuyệt vời, song, thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định tổ hợp phải có Toán hoặc Ngữ văn. Nhà trường cũng dựa trên cơ sở đề xuất của các khoa đào tạo, mới đưa ra dự kiến tổ hợp như vậy”.
Sinh viên phải đáp ứng chuẩn đầu ra, mới tốt nghiệp và trở thành giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Cần Thơ) cũng chia sẻ một số thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của nhà trường. Theo đó, năm 2025, Trường Đại học Cần Thơ dự kiến tuyển 10.500 chỉ tiêu với 100 ngành (chương trình đại trà) và 17 ngành (chương trình tiên tiến, dự kiến chương trình chất lượng cao).
Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng là năm có nhiều thay đổi trong quy chế thi và quy chế xét tuyển.
Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, về tổ hợp xét tuyển, nhà trường vẫn giữ nguyên các tổ hợp xét tuyển đã sử dụng năm 2024 về trước, bên cạnh đó bổ sung thêm các tổ hợp có những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế pháp luật. Việc giữ nguyên những tổ hợp đã sử dụng trước đây nhằm không xáo trộn kế hoạch học tập của học sinh đã có định hướng nghề nghiệp từ năm lớp 10.
Về phương thức xét tuyển, nhà trường vẫn tiếp tục giữ ổn định các phương thức đã sử dụng trước đây và có sự điều chỉnh để phù hợp với quy chế mới như sử dụng điểm trung bình môn cả năm của cả 3 năm học trung học phổ thông trong phương thức xét tuyển kết quả học tập trung học phổ thông.
Về xét tuyển, thực hiện theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh như không thực hiện xét tuyển sớm mà xét tuyển chung các phương thức và thực hiện việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức. “Trường Đại học Cần Thơ luôn kỳ vọng tuyển được những học sinh có năng lực tư duy đúng như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào học phù hợp với ngành đào tạo của trường” - vị này chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Sư phạm Khoa học tự nhiên là ngành đào tạo giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) theo chương trình dạy và học tích hợp. Năm 2024, Trường Đại học Cần Thơ tuyển sinh khóa đầu tiên với 20 chỉ tiêu, điểm chuẩn trúng tuyển là 25,81/30 điểm.
“Để học tốt ngành này, yêu cầu người học phải có phẩm chất như: đạo đức, trách nhiệm, yêu nghề, có ý chí và lý trí; Đồng thời cũng đòi hỏi về năng lực: thấu hiểu, giảng dạy, chuyên môn, truyền đạt kiến thức.
Môn Khoa học tự nhiên là một môn học mới trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, mặc dù đang có rất nhiều giáo viên dạy tốt từng môn riêng (Lý hoặc Hóa hoặc Sinh), nhưng giáo viên dạy tích hợp các 3 môn học này là không nhiều, nên các trường trung học cơ sở đang rất cần những giáo viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Do đó, nhu cầu việc làm sẽ rất lớn” - thầy Khang cho biết thêm.
Theo thông tin tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm 2025 của Trường Đại học Cần Thơ, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên có 4 tổ hợp xét tuyển, gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); B00 (Toán, Hóa, Sinh); A02 (Toán, Lý, Sinh); A01 (Toán, Lý, Anh).
Chia sẻ về lý do đưa ra những tổ hợp xét tuyển này, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho hay: “Trong tất cả các tổ hợp xét tuyển, không có tổ hợp nào có đủ 3 môn Lý, Hóa, Sinh, bởi, theo quy định của Quy chế tuyển sinh (tổ hợp xét tuyển là 3 môn, trong đó phải có môn Toán hoặc môn Văn), không thể xây dựng tổ hợp xét tuyển có đầy đủ 3 môn Lý, Hóa, Sinh.
Do đó, không thể đặt hết kỳ vọng về kiến thức và kỹ năng của học sinh vào tổ hợp xét tuyển. Chẳng hạn, chúng ta vừa muốn học sinh có kiến thức chuyên môn có liên quan đến ngành học, đồng thời lại muốn học sinh có kỹ năng về tốt ngoại ngữ…, rõ ràng không thể đặt hết vào tổ hợp xét tuyển.
Chính vì thế, tổ hợp A01 được đưa vào xét tuyển để các khuyến khích những học sinh vừa có năng lực tư duy khoa học tự nhiên được thể hiện qua 2 môn Toán và Lý, vừa có khả năng ngoại ngữ được thể hiện qua môn Tiếng Anh trong tổ hợp A01. Khi có được năng lực tư duy về khoa học tự nhiên, người học sẽ dễ dàng hơn khi muốn phát triển kiến thức ở những môn khác có liên quan”.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: NVCC.
Năm 2024, Trường Đại học Cần Thơ có 3 thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên bằng tổ hợp A01 (trong tổng số 19 thí sinh trúng tuyển).
Về băn khoăn trước chất lượng tuyển sinh qua các tổ hợp không có 2 trong 3 môn Lý, Hóa, Sinh, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cũng lập luận: “Có thể, trong tổ hợp xét tuyển đầu vào như trên không đủ cả 3 kiến thức về Lý, Hóa, Sinh, theo như cảm nhận ban đầu của chúng ta về yêu cầu năng lực chuyên môn của giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây không phải là “nghịch lý”, vì khi vào đại học, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên không phải chỉ cung cấp những kiến thức và kỹ năng sư phạm cần thiết, mà sinh viên còn được học và phát triển những kiến thức về Lý, Hóa, Sinh một cách có hệ thống từ cơ bản đến nâng cao để đủ khả năng giảng dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên đồng thời có thể phát triển nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.
Thực tế, ngày 08/11/2024, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tuyển sinh và đào tạo đại học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua hội nghị này, các đơn vị quản lý ngành đào tạo của trường (không riêng gì ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên) đã đề ra những những giải pháp trong việc điều chỉnh nội dung giảng dạy các học phần cơ sở và đại cương đối với các môn học ở chương trình phổ thông cần thiết trong chương trình đào tạo đại học để giúp từng học sinh liên thông được kiến thức từ cơ sở đến phổ thông.
Do đó, khi sinh viên trúng tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên mà không học hoặc chưa vững một số kiến thức về Lý, Hóa, Sinh ở bậc trung học phổ thông, đều không cảm thấy áp lực hay khó khăn khi học kiến thức về Lý, Hóa, Sinh trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Khi sinh viên đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, thì mới tốt nghiệp được và mới trở thành giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên với đầy đủ kiến thức về Lý, Hóa, Sinh, cho dù trúng tuyển bằng tổ hợp nào trong số 4 tổ hợp đã nêu trên”.
Lo ngại chuyện “ghép cơ học” giáo viên để dạy môn tích hợp nếu không tuyển sinh cẩn thận
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Thời gian qua, chúng ta vẫn chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản, chính quy từ các trường đại học để đáp ứng nhu cầu dạy học tích hợp tại các trường trung học cơ sở, đặc biệt khó khăn với môn Khoa học tự nhiên. Hầu hết các trường vẫn sử dụng phương án “ghép” giáo viên một cách cơ học để ứng phó tình hình.
Những năm gần đây, một số trường đại học đã mở ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên tích hợp đang rất thiếu này. Tuy nhiên, việc một số trường lại đưa những tổ hợp không “ưu tiên” hầu hết các môn có trong Khoa học tự nhiên vào xét tuyển ngành này, đã khiến nảy ra không ít ý kiến băn khoăn. Chẳng hạn, ngoài môn Toán (đã được “cố định”, là một trong hai môn bắt buộc theo quy định), nhà trường lại lựa chọn thêm môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vào, thay vì chọn 2/3 môn khoa học tự nhiên là Lý, Hóa, Sinh. Thậm chí, có trường còn không lựa chọn môn nào trong 3 môn Lý, Hóa, Sinh để đưa vào tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Điều này giống như một “nghịch lý”.
Vì sao, các trường không chỉ lựa chọn các tổ hợp như: Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Sinh; Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên?”.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC.
Nữ đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Với các tổ hợp chỉ có một môn (hoặc không có môn nào) trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, nếu thí sinh trúng tuyển, cũng rất có thể không có nhiều thế mạnh với các môn này, vậy chẳng phải sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo để trở thành một giáo viên Khoa học tự nhiên giỏi hay sao?
Trong khi đó, nhiệm vụ của giáo viên Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở là dạy tích hợp kiến thức Lý, Hóa, Sinh cùng lúc. Nếu tuyển thí sinh chỉ mạnh một trong 3 môn ấy, thì việc lo lắng về chất lượng đào tạo giáo viên tích hợp trong tương lai là hoàn toàn có căn cứ. Nếu không tuyển chọn thí sinh tốt, không đào tạo sinh viên tốt, thì e rằng, câu chuyện “ghép cơ học” các giáo viên để dạy môn tích hợp như hiện nay vẫn là một bài toán khó giải”.
“Chính vì vậy, theo tôi, đối với riêng lĩnh vực đào tạo giáo viên, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học đã được trao quyền tự chủ, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cần có sự kiểm soát về chất lượng, đối với những tổ hợp xét tuyển chưa phù hợp với ngành/chuyên ngành thì không cho phép thực hiện” - Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ.
Mộc Trà
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/tuyen-sinh-su-pham-khtn-dung-ca-to-hop-co-van-su-lo-ngai-chat-luong-dao-tao-gv-post250265.gd