Phiên tòa giả định với chuyên đề “Gây rối trật tự công cộng” thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh
Ngày 28/4/2025, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Thanh Trì (Hà Nội) phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức phiên tòa giả định với chuyên đề "Gây rối trật tự công cộng".
Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp học sinh cùng những người tham dự nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng đến xã hội, ý thức trách nhiệm của công dân kỷ nguyên số, nâng cao ý thức pháp luật, nhằm hạn chế các vụ đánh nhau gây thương tích ở lứa tuổi học đường.
Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, Ban giám đốc, cùng trên 600 em học sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện.
Phiên tòa giả định đã diễn ra với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các điều luật được áp dụng trong tình huống giống như phiên tòa thực tế.
Phiên tòa giả định được xây dựng với đủ các thành phần như một phiên tòa xét xử thực tế.
Từ Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, thư ký phiên tòa đến bị cáo, bị hại… đều do các cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện nhập vai, thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Vụ án được chọn để mô phỏng cho phiên tòa giả định là "Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự". Đây là tình huống có thật, đã từng xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội liên quan đến học sinh lứa tuổi đi học và vụ án này đã được Tòa án Nhân dân thành phố xét xử.
Theo nội dung tình huống giả định, 2 học sinh lớp 10 và 11 do mâu thuẫn từ trước đã tổ chức 2 nhóm thanh niên hẹn gặp mặt, có hành vi gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, dùng điện thoại quay lại vụ việc và livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội. Hành vi có tính tổ chức, xảy ra ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Các em học sinh hào hứng đón nhận những kiến thức pháp luật đến từ phiên tòa giả định.
Căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 2 bị cáo từ 12 - 26 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Đây là bản án thích đáng cho các thanh niên trẻ, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng không tu dưỡng, rèn luyện, không nghe theo lời dạy bảo của gia đình, thầy cô, chỉ vì muốn thể hiện bản thân đã bột phát những hành vi gây mất trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Bên cạnh việc tổ chức phiên tòa giả định, Ban Tổ chức đã lồng ghép kiến thức về pháp luật vào việc giao lưu dưới dạng trả lời câu hỏi về kiến thức pháp luật liên quan đến tình huống vụ án góp phần tăng tính tương tác và hiệu quả của buổi tuyên truyền.
Bà Phạm Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX Thanh Trì, cho biết, chương trình rất thiết thực và bổ ích, phiên tòa là một bài học sống động để cho học sinh trực tiếp được nghe về tuyên truyền pháp luật, biết được những cái hành vi nào mình không được làm và qua đó nhận thức của học sinh sẽ tốt hơn. Mức án xử cho các bị cáo cũng là một bài học để học sinh không vi phạm.
Cung cấp thêm những thông tin bên lề phiên tòa giả định, ông Nguyễn Việt Hà, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Trì, cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh niên vi phạm pháp luật, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.
Ông Nguyễn Việt Hà, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Trì, phát biểu tại chương trình
Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ tội phạm khi đang còn là học sinh THCS và THPT ngày càng tăng nhanh.
Tình trạng này đang là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội. Do vậy việc tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật bằng phiên tòa giả định là rất cần thiết và thiết thực.
"Chúng tôi mong muốn được truyền tải tới các em học sinh ý thức chấp hành pháp luật; các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các em học sinh, các bậc phụ huynh, chuyển từ thái độ ứng phó đối với các cơ quan chức năng sang ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật", ông Hà cho biết.
Từ đầu năm 2025 đến nay huyện Thanh Trì đã tổ chức 19 buổi tuyên truyền pháp luật trong trường học. Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực triển khai thêm nhiều chương trình, tuyên truyền với phương pháp phù hợp để đưa những quy định của pháp luật đến gần hơn với nhân dân, nhất là các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
Nguyễn Duẩn