Đồng USD suy yếu
Vào tháng 11, giới tài chính Phố Wall từng tin rằng các kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, thực tế lại khác, khi các mức thuế quan được công bố, lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đã lấn át mọi lợi ích tiềm năng đối với đồng bạc xanh.
Chỉ số ICE U.S. Dollar Index đã từng chạm mốc 104,31 vào thứ Tư tuần trước, thời điểm trước khi các mức thuế của ông Trump được công bố. Sau thông báo, chỉ số này giảm mạnh và chạm đáy ở mức 101,27 vào thứ Năm - tức giảm khoảng 3% chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Dù có phục hồi nhẹ vào thứ Sáu, chỉ số này vẫn kết thúc tuần trong xu hướng giảm, và đồng USD hiện đang yếu hơn so với thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11.
"Những tác động ngược từ chính sách thuế của ông Trump đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, điều mà nhà đầu tư không lường trước được. Nhà đầu tư từng nghĩ rằng thuế quan sẽ có lợi cho đồng USD và gây bất lợi cho phần còn lại của thế giới. Nhưng tôi cho rằng kinh tế Mỹ hiện không đủ vững vàng để chịu đựng các mức thuế tối đa vào thời điểm này", ông Chris Turner, giám đốc toàn cầu về thị trường của ING nhận định.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ tăng mạnh dưới thời ông Trump.
Nhìn chung, giới giao dịch rõ ràng đã xem chiến thắng của ông Trump là một cú hích cho đồng bạc xanh. Chỉ số đồng USD đã tăng mạnh ngay sau khi ông giành chiến thắng vào ngày 5/11 và tiếp tục đà tăng trong hai tháng tiếp theo, thậm chí có lúc vượt mốc 110 vào giữa tháng 1.
Tuy nhiên, kể từ đó, chỉ số này đã giảm dần do xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang yếu đi, trong khi các chính sách thương mại của ông Trump lại cứng rắn hơn nhiều so với kỳ vọng của Phố Wall.
Một điểm đáng chú ý là trong bối cảnh đồng USD suy yếu, nhiều đồng tiền khác đã bắt đầu cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét. Đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, đồng euro cũng đang trên đà phục hồi.
Theo các chuyên gia, xu hướng tìm nơi trú ẩn ở các loại tài sản khác cũng đang tác động đến thị trường tiền tệ. Đơn cử, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khiến việc nắm giữ USD hoặc trái phiếu Mỹ kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, việc bán tháo cổ phiếu Mỹ - trong đó có thể bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài - cũng dẫn đến việc họ chuyển dòng vốn về cổ phiếu nội địa, qua đó bán ra đồng bạc xanh.
Bà Kathy Kriskey, trưởng bộ phận chiến lược ETF tại Invesco cho rằng sự lạc quan ngày càng tăng về khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình tại Ukraine, cùng với các cam kết chi tiêu công lớn hơn từ những nước như Đức, đang hỗ trợ sức mạnh cho đồng euro.
"Thật kỳ lạ khi chính quyền ông Trump lại đang vô tình giúp châu Âu củng cố lại tình hình nội bộ và khiến các đồng tiền của họ trở nên hấp dẫn hơn", bà Kriskey cho biết.
Tỷ giá sẽ ra sao giữa căng thẳng thuế quan?
Giữa làn sóng thuế quan mạnh tay từ chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến thị trường toàn cầu biến động, Việt Nam lại ghi dấu như một trong số ít quốc gia duy trì được sự ổn định trên mặt trận tỷ giá. Dù thuộc nhóm bị áp thuế cao, USD/VND được dự báo sẽ không đối mặt với những biến động lớn trong ngắn hạn.
Theo bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu tại Dragon Capital, các yếu tố bên ngoài đang đóng vai trò như một "bộ giảm xóc" giúp tỷ giá VND/USD đứng vững trước biến động toàn cầu.
"Chỉ số DXY đang sụt giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đi xuống, bất chấp lo ngại lạm phát do thuế quan tăng. Thị trường đang phản ánh kỳ vọng ngày càng rõ rệt về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ, khiến Fed có thể buộc phải đẩy nhanh việc hạ lãi suất", bà Minh dự báo.
Tỷ giá USD/VND trong năm 2025 được dự báo chỉ biến động nhẹ ở mức 2-3%.
Những biến chuyển trên thị trường quốc tế càng củng cố thêm quan điểm này. DXY đã lùi về mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 12 điểm cơ bản - dấu hiệu rõ nét cho thấy giới đầu tư đang nghiêng về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây được xem là "lá chắn" quan trọng giúp các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá.
Thêm vào đó, chỉ số lạm phát lõi (core CPI) của Mỹ chỉ đạt 3,6% - thấp hơn kỳ vọng thị trường. Điều này không chỉ giảm áp lực lên Fed trong việc duy trì mặt bằng lãi suất cao, mà còn tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng, mà không lo gây áp lực lớn lên tỷ giá.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt để tỷ giá duy trì được sự ổn định chính là vai trò điều hành chủ động, nhất quán của Ngân hàng Nhà nước - đặc biệt trong việc dẫn dắt kỳ vọng và tâm lý nhà đầu tư.
"Yếu tố quyết định vẫn là niềm tin của nhà đầu tư trong nước. Bởi về bản chất, tỷ giá trong dài hạn phản ánh sức mạnh nội tại của nền kinh tế, chứ không đơn thuần chịu ảnh hưởng bởi những cú sốc ngắn hạn từ bên ngoài", bà Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến ngày 25/03/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 2,5% so với cuối năm 2024 - cao gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn đang lưu thông mạnh mẽ, củng cố thêm nền tảng ổn định vĩ mô. Hệ số sử dụng vốn (LDR) vẫn ở mức 103%, phản ánh thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng.
Bà Đặng Nguyệt Minh kết luận: "Tỷ giá trung và dài hạn sẽ đi theo quỹ đạo của nền tảng kinh tế thực. Với bức tranh vĩ mô hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để duy trì sự ổn định ấy. Dù có thể xuất hiện những nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhưng niềm tin của thị trường - cả trong nước và quốc tế - sẽ là chốt chặn quan trọng".
Với nền kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và niềm tin thị trường đang được khôi phục, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 được dự báo chỉ biến động nhẹ ở mức 2-3%, mang tính điều chỉnh kỹ thuật hơn là phản ánh rủi ro hệ thống.
Thanh Thắng