Tỷ giá USD/VND có thể tăng 4,5% - 5% vào cuối năm

Tỷ giá USD/VND có thể tăng 4,5% - 5% vào cuối năm
15 giờ trướcBài gốc
Áp lực tỷ giá trong nước gia tăng dù USD quốc tế suy yếu
Theo bà Hiền, chỉ số USD Index (DXY) đã giảm 2,5% trong tháng 6, rơi xuống mức thấp 96,6 - đáy của ba năm trở lại đây. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số này đã giảm 12%, đánh dấu giai đoạn nửa đầu năm yếu nhất của đồng USD kể từ năm 1973.
Dù thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì được sự ổn định - với tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,1% trong tháng 6 và chỉ số PMI sản xuất tăng lên 52,9 - nhưng doanh số bán lẻ đã giảm 0,9% so với tháng trước. Đồng thời, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, thể hiện qua chỉ số PCE tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên mức lãi suất điều hành, đồng thời điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống 1,4% và đặt mục tiêu lạm phát ở mức 3%. Chủ tịch Fed cũng cho biết khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7 vẫn được cân nhắc, tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của thị trường lao động.
Trong bối cảnh hạn tạm hoãn thuế quan 90 ngày sắp kết thúc, chỉ mới có ba quốc gia - Việt Nam, Trung Quốc và Anh - đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này làm gia tăng lo ngại về tác động của thuế suất mới, đồng thời tạo thêm áp lực giảm giá lên đồng USD vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn.
Bất chấp đồng USD đang suy yếu trên toàn cầu, bà Hiền đánh giá áp lực tỷ giá trong nước vẫn còn đáng kể. Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng mạnh, đặc biệt sau khi Kho bạc Nhà nước tiếp tục mua vào 300 triệu USD trong tháng 6, nâng tổng lượng mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay lên gần 1,9 tỷ USD - gần tương đương mức mua của cả năm 2024.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng có xu hướng mở rộng. Trong tháng 6, lãi suất liên ngân hàng qua đêm bằng VND giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, chỉ còn 1,3%, trong khi lãi suất USD tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao.
Trước các yếu tố trên, tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục tăng, khép lại tháng 6 ở mức 26.118 VND/USD, tăng 2,6% so với đầu năm. Trên thị trường tự do, tỷ giá đã lên tới 26.430 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 25.052 VND/USD – tương ứng mức tăng 2,9% so với đầu năm.
Triển vọng tỷ giá cuối năm: USD giảm nhưng áp lực trong nước không hạ nhiệt
Mặc dù thị trường kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm, khi Fed có khả năng bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9, song bà Hiền cho rằng các yếu tố nội tại tại Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc định hình xu hướng tỷ giá.
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu – vốn là một trong những “bộ đệm” chính cho tỷ giá – được dự báo sẽ chậm lại sau khi các doanh nghiệp đã đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn kết thúc hoãn thuế quan vào ngày 9/7. Theo báo cáo PMI từ S&P, đơn hàng xuất khẩu đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp tính đến tháng 6, với mức sụt giảm trong tháng này là mạnh nhất trong hai năm trở lại đây.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có xu hướng gia tăng nhập khẩu từ Mỹ - với mức thuế suất ưu đãi gần 0% - nhằm thể hiện thiện chí trong việc thu hẹp thặng dư thương mại. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 18% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 14,4%. Kết quả là thặng dư thương mại giảm tới 34,4%.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi bằng VND vẫn còn dư địa điều chỉnh giảm trong quý III, trong khi lãi suất USD dự kiến chưa giảm ngay, tạo ra sự chênh lệch lãi suất ngày càng nới rộng giữa hai đồng tiền.
Từ các yếu tố trên, bà Hiền dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong vùng 26.600 - 26.750 VND/USD vào cuối năm 2025, phản ánh mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.
An Vũ
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/ty-gia-usdvnd-co-the-tang-45-5-vao-cuoi-nam-146862.html