Phó chủ tịch HDBank cho biết đang cùng đối tác thực hiện các hợp đồng trị giá 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và các ngân hàng thương mại do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Thường trực Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, HDBank và đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng trị giá 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ.
Thậm chí, bà tiết lộ các bên đang thương lượng để tăng giá trị hợp đồng lên 64 tỷ USD, đồng thời tạo ra gần 500.000 việc làm cho người Mỹ.
Trước mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% và tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 16% trong năm 2025, HDBank sẽ thúc đẩy và cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong các chương trình nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ như AI, Big Data, blockchain...
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nhấn mạnh việc tham gia tài trợ các dự án thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng giao thông, logistics, các tuyến cao tốc, hạ tầng hàng không, cảng biển; tài trợ vốn cho các hệ thống logistics thông minh, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt; tài trợ vốn cho các doanh nghiệp ngành du lịch dịch vụ, ưu tiên ứng dụng công nghệ số, kết nối với các hệ sinh thái tiêu dùng hiện đại trên thế giới.
Nữ doanh nhân đồng thời kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho các chương trình ưu tiên; điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Tương tự, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, đồng thời cũng là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết T&T Group vừa làm việc với đại diện Boeing tại Việt Nam để xúc tiến các cơ hội hợp tác và trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực hàng không.
Theo đó, T&T đang có chiến lược phát triển mô hình tập đoàn hàng không với sân bay Quảng Trị, hãng hàng không Vietravel Airlines, tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay đặt tại Quảng Trị... Động lực chủ yếu đến từ sự ủng hộ của UBND tỉnh Quảng Trị về phương án Quy hoạch đô thị Cảng hàng không Quảng Trị khoảng 3.400 ha.
Ông Hiển cho biết một số hãng hàng không lớn trên thế giới của Mỹ, Trung Đông và Hà Lan đã phát triển thành công theo mô hình hệ sinh thái hàng không - tập đoàn hàng không. Hệ sinh thái này bao gồm cả hãng bay, công nghiệp, sân bay, dịch vụ, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, dịch vụ bay, dịch vụ sân bay mặt đất cũng như tổ hợp đô thị sân bay.
"Chiến lược phát triển này sẽ là tiền đề tạo ra tổ hợp về công nghiệp hàng không, vận chuyển, luân chuyển hàng hóa. Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không hoặc doanh nghiệp nào chuyên khai thác các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, thị phần này chủ yếu vẫn đang nằm trong tay hãng bay nước ngoài", vị lãnh đạo chia sẻ.
Minh Khánh