Việc vận hành bộ máy phải "đúng vai thuộc bài"
Thảo luận tại phiên họp tổ của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, theo quy luật, trong quá trình phát triển luôn sinh ra các mâu thuẫn mới, chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn mới thì mới tiếp tục phát triển được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật là bình thường; yêu cầu đặt ra là làm sao quy định đơn giản, dễ hiểu và giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Lần này, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, để bộ máy tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…
Đây là chủ trương lớn của Đảng mà chúng ta làm sắp xong, trong tháng 2 cố gắng hoàn thành các công việc để tháng 3 tổ chức, cơ cấu mới bắt đầu vận hành và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Tất nhiên, khi bộ máy, tổ chức, cơ cấu mới đưa vào vận hành sẽ có sự trơn tru, thuận lợi, nhưng cũng có những vướng mắc, trục trặc, khó khăn thì chúng ta phải giải quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc vận hành bộ máy phải "đúng vai thuộc bài". Ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao cho người đó, phân định rõ chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; càng rõ thì càng dễ đánh giá, xác định trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ thực tiễn thấy cái gì vướng mắc phải sửa.
Theo Thủ tướng, hiện quy trình phối hợp giữa các cơ quan đang rất tốt, chặt chẽ, hiệu quả, song khi trình một đề án, dự án luật ra Quốc hội thì phải làm rõ hơn nữa cơ quan trình Quốc hội và cơ quan thẩm tra.
Khi cơ quan trình và cơ quan thẩm tra có ý kiến khác nhau thì xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, theo quy chế của Đảng. Phải phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình xây dựng để rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng nhưng vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề tiếp theo được Thủ tướng đề cập là xây dựng, ban hành chính sách như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh diễn biến cuộc sống rất nhanh. Thực tiễn cũng đặt ra nhiều bài học, kinh nghiệm như trong phòng chống dịch Covid-19, cơn bão Yagi (bão số 3 năm 2024) với nhiều quyết sách rất khó khăn, cân não.
"Vì vậy, những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số ý kiến đồng tình thì chúng ta luật hóa, tiếp tục thực hiện. Còn những gì còn biến động, nhất là những vấn đề kinh tế thì trao quyền cho cơ quan hành pháp, trên cơ sở đó mới xử lý linh hoạt, kịp thời và báo cáo lại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - Thủ tướng nói.
Tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, Việt Nam đang trong quá trình cải cách thể chế để tạo môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phiên họp tổ của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 12/2
Theo đại biểu, những điểm nghẽn thể chế phổ biến hiện nay bao gồm: Chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong thực thi; quy trình lập pháp cồng kềnh, kéo dài, làm chậm khả năng ứng phó với thực tiễn; thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn; quyền hạn giữa các cấp chưa rõ ràng, gây tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; thiếu cơ chế phản biện và giám sát độc lập, khiến chất lượng luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Trần Văn Khải nhận định, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có một số cải cách tích cực giúp khắc phục một số hạn chế trong thể chế hiện tại. Nội dung sửa đổi tác động tích cực. Điểm nghẽn được tháo gỡ gồm: Rà soát, kiểm tra và đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành luật (Điều 29), giúp tránh ban hành luật có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật; giảm xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế phản biện xã hội và tham vấn (Điều 6, 30): Mở rộng phạm vi lấy ý kiến từ nhiều đối tượng, giúp chính sách phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn. Khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, giảm rủi ro lợi ích nhóm: Phân quyền mạnh hơn cho địa phương (Điều 5, 21). Cụ thể, giúp chính quyền địa phương có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương mà không cần chờ trung ương; giải quyết tình trạng chờ chỉ đạo, thiếu linh hoạt trong quản lý.
Thực hiện quy trình lập pháp rút gọn đối với các vấn đề cấp bách (Điều 10, 26): Giúp nhanh chóng ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế mà không phải chờ đợi quy trình lập pháp thông thường. Xóa bỏ điểm nghẽn về tốc độ ban hành chính sách; ứng dụng công nghệ trong công khai văn bản pháp luật (Điều 9): Tạo cơ sở dữ liệu pháp luật mở, giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra cứu. Giảm tình trạng thiếu minh bạch thông tin pháp luật.
Tuy nhiên, để việc sửa đổi thực sự giúp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một số quy định quan trọng; đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm pháp lý cho các chính sách mới thay vì đợi quy trình lập pháp hoàn chỉnh; giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo: Bắt buộc công khai báo cáo tiếp thu, giải trình trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Yêu cầu báo cáo định kỳ về việc thực hiện các ý kiến góp ý.
Mặt khác, quy định trách nhiệm cá nhân đối với người ký ban hành văn bản trái luật, có thể áp dụng hình thức xử lý hành chính hoặc bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả nghiêm trọng; tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống kiểm tra tính thống nhất của luật, giúp phát hiện các quy định mâu thuẫn một cách tự động trước khi ban hành.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn nhận định, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) về cơ bản đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Luật chỉ quy định vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, bỏ tư duy không quản được thì cấm; chuyển thẩm quyền quyết định chương trình lập pháp hàng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật của cơ quan trình; tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến chương trình lập pháp.
"So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước từ quyết định sang thông tư. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã giảm 5 hình thức văn bản (còn 36 hình thức) và giảm 6 chủ thể có thẩm quyền ban hành (còn 30 chủ thể)" - ông Phạm Trọng Nghĩa thông tin.
Theo Bộ Tư pháp, mục đích xây dựng, ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Quỳnh Nga